06 August 2011

Thưa Chuyện Kinh Tế Cùng Độc Giả

Thưa Chuyện Kinh Tế Cùng Độc Giả
Vũ Linh

 
     Tăng thuế có khuynh hướng làm chậm lại việc phục hồi kinh tế trong ngắn hạn...

     Thời gian gần đây, tòa soạn Việt Báo mở một diễn đàn trên Việt Báo Online, để  độc giả có dịp góp ý. Kẻ viết này cũng như tất cả các vị hợp tác với Việt Báo triệt để hoan nghênh sáng kiến này. Viết bài rồi có người đọc và góp ý là giấc mộng của tất cả những người cầm bút. Cuộc tranh luận thật hữu ích, giúp mọi người hiểu rõ hơn những chuyện đang xẩy ra chung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta và con cháu.

     Điều hơi đáng tiếc là không thiếu "góp ý" thực sự chỉ là đả kích không chính đáng, có khi vô căn cứ, thậm chí còn có tính phỉ báng. Tự do ngôn luận là một khái niệm phức tạp, chúng ta còn đang thực tập.

     Trong những góp ý nêu lên gần đây, có một số ý kiến kẻ viết này thấy cần nói thêm cho chính xác, không phải để tranh cãi, mà để phục vụ độc giả Việt Báo nói chung, phục vụ những người thật sự muốn tìm hiểu vấn đề.

*
     Một độc giả khẳng định: "Một mình TT Bush làm nước Mỹ mất 10.000 tỉ ở Wall Street, 4.000 tỉ ở Iraq và Afghanistan, 6.000 tỉ địa ốc, v.v... sơ sơ thôi là 20.000 tỉ cho nên 800 tỉ kích thích chẳng ăn nhập gì cả". Vài độc giả khác đọc vậy, tin là đúng, nên đã lập lại.

     Nói có sách mách có chứng thì trước hết phải chứng minh những con số "10.000, 4.000, 6.000 tỉ" ở đâu ra. Nhưng không dễ. Thôi thì cứ tạm chấp nhận để dễ nói chuyện.

     Trước hết, cái con số "10.000 tỉ mất ở Wall Street" là do ước tính của một độc giả qua sự tuột dốc của chỉ số Dow Jones, từ cao điểm 14.500 (10/2007) xuống điểm thấp nhất, 6.500 (3/2009), sau khi TT Obama nhậm chức. Dow Jones rớt 8.000 điểm, được độc giả đó chuyển dịch qua thành "kinh tế mất 10.000 tỷ".

     Vị độc giả đó lấy con số đỉnh trước khủng hoảng tài chánh và con số đáy sau khủng hoảng để tính thiệt hại, và dĩ nhiên, để kể tội Bush. Nhưng điều ông không nói là sau cuộc tấn công 9/11, Dow Jones chỉ còn 7.600. Sau đó, Bush đã kéo Dow Jones lên mức đỉnh 14.200 (chứ không phải 14.500), tăng 6.600 điểm. Kể tội Bush làm Dow Jones rớt 8.000 điểm, thế có nên kể công của Bush trước đó làm Dow Jones tăng 6.600 điểm không?

     Có một cách nhìn khác rõ hơn.

     Tháng Giêng 2001, TT Bush nhậm chức, Dow Jones khoảng 9.800. Tháng Giêng 2009, TT Obama nhậm chức, Dow Jones 8.600. Nói cách khác, trong tám năm Bush, Dow Jones có lên có xuống, nhưng tóm lại rớt 1.200 điểm, không phải 8.000 như vị độc giả dẫn chứng. Cứ tạm chấp nhận lý luận của vị độc giả đó, mỗi khi Dow Jones xuống 1.000 điểm là kinh tế mất 1.200 tỷ (!). Như vậy TT Bush làm kinh tế mất 1.400 tỷ, chứ không phải 10.000 tỷ.

Còn chuyện Bush vì quyền lợi các hãng dầu hỏa, đánh Iraq-Afghanistan làm kinh tế mất 4.000 tỷ cũng nên… bàn lại.

     Cả hai cuộc chiến đều được TT Bush đưa ra Quốc Hội phê chuẩn trong khi TT Obama đánh Lybia mà không cần ý kiến quốc hội. Khi ấy, các TNS Hillary Clinton, Joe Biden, John Kerry đều bỏ phiếu thuận. Cựu TT Clinton lúc đó cũng tuyên bố ủng hộ. Chuyện Bush "nói láo" để đánh Iraq, thì xin quý độc giả vào link này để biết thêm quan điểm của chính quyền Clinton từ trước khi Bush làm tổng thống: (http://www.rightwingnews.com/quotes/demsonwmds.php).

     Nói về kinh tế thì chi phí chiến tranh chính là tiền bơm vào kinh tế để sản xuất máy bay, xe tăng, tàu chiến, súng ống, bom đạn, quân nhu, và lương của cả triệu quân nhân, nhân công nhà máy sản xuất chiến cụ. Nôm na ra, chi phí chiến tranh tức là tiền kích cầu kinh tế. Bỏ qua chuyện chiến tranh có đạo đức hay không, may là nhờ có chi phí này, nếu không thì cả triệu người đã thất nghiệp, kinh tế còn thê thảm hơn nhiều. Nói chi phí chiến tranh mất 4.000 tỷ, bây giờ cần bơm thêm 4.000 tỷ để bù đắp là nói bâng quơ, không phải là lý luận kinh tế.

     Về chuyện mất 6.000 tỷ địa ốc, quả là có mất thật tuy chẳng ai biết chính xác mất bao nhiêu. Phần lớn mất mát này là do bong bóng nhà cửa xì hơi, giá nhà rớt từ những mức không tưởng xuống gần với thực tế hơn. Ví dụ như một căn hộ hai phòng ngủ trong một cao ốc cũ trong khu Bolsa, xây từ gần nửa thế kỷ trước mà bán hơn 500.000 đô là điều phi lý. Căn nhà đó phải là nhà của giới trung lưu, nhưng tiền nợ phải trả ít ra cũng 4.000 đô một tháng trong 30 năm, dân trung lưu nào trả nổi? Bây giờ trị giá căn nhà đó rớt xuống còn 300.000, tuy còn cao nhưng dễ thở hơn. Không có lý do gì thiên hạ phải đóng thuế cho TT Obama để ông bơm tiền vào, nâng giá nhà đó lên lại 500.000 hết.  Lập luận cần bơm tiền vào để bù đắp số 6.000 tỷ mất mát trong khủng hoảng gia cư hoàn toàn không hợp tình hợp lý.

     Vị độc giả đó sau khi lẫn lộn cam với táo, kết luận, chi 800 tỷ chưa ăn thua gì. Thật ra, TT Obama không phải chỉ chi 800 tỷ để tìm cách phục hồi kinh tế đâu. Ông xài khoảng 3.600 tỷ năm 2009 và 3.500 tỷ năm 2010, vị chi hơn 7.000 tỷ, đưa đến thâm thủng ngân sách tổng cộng hơn 3.000 tỷ chỉ trong hai năm đầu. Lớn gấp rưỡi thâm thủng của Bush trong tám năm. Nhưng dù chi nhiều như vậy, vẫn không giải quyết được nạn thất nghiệp vẫn lửng lơ mức 10%. Tại sao? Chỉ vì chính sách của TT Obama không giải quyết nạn thất nghiệp được:

     - Suốt ngày dọa tăng thuế thì các doanh gia đều sợ hãi và không phát triển doanh nghiệp, không thuê nhân công, hay mang hãng xưởng đi Trung Cộng (xem GE ở phần dưới); dọa tăng thuế tư bản bóc lột nghe mát tai, nhưng tư bản không chết mà dân thất nghiệp vẫn thất nghiệp;

     - bắt doanh gia phải trả bảo hiểm y tế cho nhân công có tính nhân đạo thật, nhưng trên phương diện kinh tế, cũng không khuyến khích doanh gia thuê thêm nhân công vì sợ tốn thêm tiền bảo hiểm;

     - tăng thời hạn lãnh tiền thất nghiệp cũng chỉ khuyến khích một số người không đi tìm việc.

     Với những chi tiêu khổng lồ của TT Obama, kinh tế thực sự đã phục hồi. Dow Jones đã tăng từ 6.500 khi TT Obama mới nhậm chức lên đến 12.500 hiện giờ. Nghĩa là giá cổ phiếu tăng gấp đôi. Nhưng phục hồi kinh tế kiểu này chỉ làm giàu cho những nhà giàu, sở hữu cổ phiếu thôi, còn dân nghèo không có cổ phiếu thì vẫn nghèo, dân thất nghiệp vẫn thất nghiệp.

     Rồi câu hỏi cuối cùng: thật ra, có cần phải bơm tiền vào để kích thích kinh tế không? 800 tỷ chưa đủ, phải 7.000 tỷ hay 20.000 tỷ?

     Năm 2000 cuối thời TT Clinton, kinh tế bị khủng hoảng vì internet xì hơi. Chỉ số Nasdaq, là chỉ số liên hệ trực tiếp đến công nghệ điện toán, rớt 60% từ hơn 5.000 xuống còn khoảng 2.000 điểm khi TT Bush nhậm chức. Tức là kinh tế mất gần 4.000 tỷ theo lập luận của vị độc giả trích dẫn. Kinh tế suy trầm nặng. Chắc Bush phải bơm vài ngàn tỷ để phục hồi kinh tế? Không, ông không bơm một đồng nào để kích cầu kinh tế hết. Ông ra luật cắt giảm thuế đồng loạt – chứ không phải chỉ giảm thuế cho những người có lợi tức hơn 250.000.

     Tại sao cắt thuế? Khi kinh tế suy yếu, cần phải kích thích sản xuất bằng cách tăng chi tiêu. Đảng Cộng Hoà bảo thủ chủ trương cắt thuế để thiên hạ giàu nghèo đều có thêm tiền tiêu xài, mua sắm, đầu tư, kích động sản xuất. Đảng Dân Chủ cấp tiến chủ trương để Nhà Nước thu tiền thuế của dân, rồi các công chức vẽ kế hoạch kích cầu kinh tế. Đó là khác biệt căn bản về quan điểm hai đảng.

     Năm 2001, nạn thất nghiệp ở mức 4,5% khi ông Bush nhậm chức, tăng đều mà chỉ lên đến 6,3% hai năm sau vì dư âm khủng hoảng internet. Giữa năm 2003, TT Bush cắt thuế. Qua 2004, và trong ba năm sau đó, từ 2005 đến 2007, thất nghiệp trở lại mức bình thường của kinh tế Mỹ, khoảng từ 4% đến 5%.

     Khủng hoảng kinh tế của 2001 đến rồi đi, chả mấy ai biết. Mãi đến giữa năm 2008 khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ thì thất nghiệp mới leo lên lại 6%-7%.

     Năm 2009, TT Obama nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ 7%. Ông không giảm thuế mà bơm vào kinh tế 800 tỷ, với lời hứa hẹn thất nghiệp sẽ trở về mức bình thường 4%-5% sau một năm như TT Bush đã thực hiện được. Nếu không cho ông 800 tỷ, TT Obama dọa thất nghiệp sẽ tăng lên 8%. Quốc hội mau mắn cấp tiền cho ông. Đến cuối năm, thất nghiệp vọt lên 10%. Ba năm sau, thất nghiệp vẫn trên 9%.

     Hai kết quả cụ thể của hai chính sách.

     Có người chỉ trích TT Bush cắt thuế gây thâm thủng ngân sách lớn. Không đúng. Năm 2003, ngân sách thâm thủng gần 400 tỷ, TT Bush cắt thuế. Qua năm sau, thâm thủng vẫn khoảng 400 tỷ, nhưng ba năm sau, 2005-06-07, thâm thủng giảm đều đặn mỗi năm trong ba năm liền, xuống còn khoảng 250 tỷ, bất kể chi phí chiến tranh Trung Đông, cho đến năm 2008 mới vọt lên lại vì khủng hoảng gia cư.

     Thứ Sáu 29 vừa qua, tức là hai năm rưỡi sau khi TT Obama chấp chánh, Nhà Nước loan báo mức kinh tế tăng trưởng hàng năm là 1,3% trong quý hai của 2011. Dow Jones rớt ngay hơn 100 điểm trong ngày. Nếu đến cuối 2016 mà kinh tế vẫn èo uột thì chắc cũng vẫn là vì bóng ma của Bush tác yêu tác quái thôi.
*
     Một độc giả khẳng định "Cộng Hòa cho tư bản tự do mang jobs đi Trung Cộng". Kẻ viết này xin trình bày câu chuyện của GE và Intel.

     GE là hãng đã thu lời 14 tỷ năm 2009 mà không đóng một xu thuế như đã viết trong một bài trước. Cũng là một đại gia có hãng xưởng khắp thế giới. Năm 2005, hưởng ứng chính sách cắt thuế của TT Bush, GE chuyển về Mỹ 1,2 tỷ đầu tư ở nước ngoài.

     Tuần vừa qua, GE loan báo di chuyển toàn bộ bộ phận quang tuyến (X-Ray Business, tập đoàn sản xuất máy móc quang tuyến lớn nhất thế giới, trực thuộc GE Healthcare) từ Wisconsin qua Bắc Kinh vì nhân công rẻ, thuế thấp. Hãng xưởng tại Wisconsin sẽ đóng cửa, nhân công sa thải, chỉ mang một số nhỏ nhân viên cấp quản lý đi Bắc Kinh. GE cũng cho biết sẽ bỏ ra hai tỷ đô đầu tư vào một số hãng xưởng khác. Tại Trung Cộng, chứ không phải tại Mỹ.
Một trong những công ty điện toán lớn nhất thế giới, Intel, năm 2005 có 11 tỷ đầu tư ở ngoài Mỹ. Năm 2006, đáp ứng chính sách của TT Bush, mang lại về Mỹ sáu tỷ. Trong hai năm 2009-10 chuyển ra ngoài lại, bây giờ có 12 tỷ ngoài nước. Công ty cũng thông báo sẽ đầu tư thêm 11 tỷ nữa trong những năm tới ở ngoài nước.

     GE, Intel, và các đại gia mang tiền đầu tư ngoài nước về Mỹ dưới thời Bush, nhưng ùn ùn chạy ra khỏi Mỹ dưới chính sách của TT Obama. Nói chung, số tiền đầu tư của Mỹ ở ngoài nước hiện nay là 200 tỷ, gấp hai lần con số cách đây bốn năm.

     Trách người làm chính sách, đừng trách các doanh gia. Xỉ vả mấy ông tư bản bóc lột này chẳng thay đổi được gì. Mà lại phiền lòng TT Obama. Vì Chủ Tịch tập đoàn GE, Jeffrey Immelt, rất thân cận với TT Obama. Ông là cố vấn đặc trách về vấn đề tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ, Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn về Việc Làm và Cạnh Tranh (Chairman, Advisory Council on Jobs and Competitiveness) của TT Obama. Tổng Giám Đốc tập đoàn Intel, Paul Otellini, cũng là thành viên của Hội Đồng đó.
*
     Một vị độc giả khác xác định "TT Bush lấy tiền thuế của 98% dân chúng để cứu nguy cho tư bản 2%".
Nếu nói "lấy tiền thuế cứu nguy tư bản" thì phải nói cho rõ:

     - Luật cứu nguy ngân hàng TARP do ông Tim Geithner soạn được đưa ra Quốc hội Tháng Mười 2008, dưới thời Bush, được ứng viên Obama và các dân cử Dân Chủ cổ võ, nhưng bị đa số Cộng Hòa bác bỏ. Ngay sau đó, thị trường chứng khoán rớt cả ngàn điểm, thế giới rúng động. Ứng viên Cộng Hòa McCain kêu gọi Cộng Hòa thông qua. Luật cứu nguy ngân hàng được đưa ra lại và thông qua. Ông Geithner sau đó được TT Obama bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chánh, tiếp tục chính sách cứu nguy ngân hàng của ông cho đến giờ.

     - Cứu nguy hai hãng xe GM và Chrysler: tháng Chín 2008, quốc hội Dân Chủ biểu quyết Nhà Nước cho các hãng xe mượn 25 tỷ trang trải bớt nợ. Tháng Năm 2009, hai hãng GM và Chrysler khai phá sản sau khi mau mắn xài hết 25 tỷ. TT Obama nhẩy vào cứu tiếp, bơm vào mỗi công ty vài chục tỷ. Khi đó TT Bush đã về Texas lâu rồi.

Nói TT Bush lấy tiền thuế của dân để cứu tư bản là không đúng sự thật. TT Obama mới là người "lấy tiền thuế của 98% dân chúng" để cứu các đại gia Wall Street và Chicago.
*
     Một độc giả viết "TT Reagan tăng nợ trần lên tới 18 lần, cho Mỹ nợ ngập đầu". Dưới TT Reagan, mức nợ tăng 18 lần thật, quy ra trị giá đồng đô là của ngày nay thì tăng từ 2.000 tỷ lên 3.700 tỷ, tức là tăng 1.700 tỷ trong 8 năm, so với mức nợ tăng 1.900 tỷ chỉ trong một năm đầu của TT Obama.
*
     Một độc giả biện hộ cho việc Dân Chủ không tăng thuế nhà giàu khi còn kiểm soát lưỡng viện vì "… lúc đó cuối năm 2010 nếu không bớt thuế nhà giàu thì đảng Cộng Hòa sẽ không ký cho dân hưởng tiền thất nghiệp, thành ra vào thế kẹt đảng Dân chủ phải đồng ý".

     Thật ra, cuối năm 2010, Dân Chủ nắm Toà Bạch Ốc, và đa số tuyệt đối tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, Cộng Hòa chẳng có quyền "ký" bất cứ luật gì, và Dân Chủ chẳng cần gì phải nhân nhượng Cộng Hòa. Sự thật là TT Obama biết tăng thuế sẽ kéo dài trì trệ kinh tế và thất nghiệp nên không làm.

     "Tăng thuế có khuynh hướng làm chậm lại việc phục hồi kinh tế trong ngắn hạn" (Raising taxes will tend to slow the recovery in the near term). Đó là nguyên văn nhận định của bà Christina Romer, Cố Vấn Kinh Tế hai năm đầu tiên của TT Obama. Và đó mới là lý do thật sự tại sao TT Obama đã không tăng thuế nhà giàu trong suốt hai năm đảng Dân Chủ hoàn toàn kiểm soát cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp. Bây giờ Cộng Hoà kiểm soát Hạ viện, TT Obama chơi trò tháu cáy chính trị, thách thức Cộng Hoà tăng thuế. Cộng Hòa không tăng thuế sẽ bị chỉ trích là bảo vệ túi tiền nhà giàu, tăng thuế thì sau này kinh tế có trì trệ thì sẽ há miệng mắc quai, không chỉ trích Dân Chủ được.
*
     Có một vấn đề không liên quan đến công nợ, nhưng cũng nên nhắc. Một độc giả kể công TT Dân Chủ Jimmy Carter dang tay đón nhận cả trăm ngàn người tỵ nạn. Ông Carter là một người rất tốt bụng, rất nhân đạo. Nhưng ông đón nhận dân tỵ nạn là vì Quốc hội Mỹ đã có luật đón nhận dân tỵ nạn, chứ không phải ý muốn cá nhân của TT Carter. Tháng Tư 1975, Quốc hội Mỹ biểu quyết về vấn đề chấp nhận dân tỵ nạn VN vào Mỹ. Luật đó được đa số thông qua, mặc dù hai Thượng Nghị Sĩ Joe Biden và John Kerry chống đối kịch liệt. Ông Biden là đương kim Phó Tổng Thống, ông Kerry là ứng viên tổng thống của Dân Chủ năm 2004.

     Cuộc tranh luận về ngân sách, công nợ, và thuế sẽ không bao giờ chấm dứt vì nó phản ánh khác biệt về ý thức hệ cơ bản. Khác biệt ở cấp cầm quyền sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Khác biệt ở cấp "bình luận gia" thì sẽ giúp mọi người nhìn vấn đề rõ hơn nếu họ có sự cởi mở cần thiết để nhìn dưới nhiều khía cạnh. (31-7-11)


     VŨ LINH

No comments:

Post a Comment