26 February 2012

Một Hòn Chọi Hai Chim

Một Hòn Chọi Hai Chim

Trần Tiên Long

Trong vài tuần qua, việc làm của nhóm nhạc sĩ Trúc Hồ và Ts. Nguyễn Đình Thắng về một thỉnh nguyện thư lên chính quyền Obama xin can thiệp tự do cho nhạc sĩ Việt Khang và những nhà tranh đấu dân chủ khác hiện đang bị cầm giữ, và tự do nhân quyền cho đồng bào Việt Nam, đã đạt được con số kỷ lục những người ký tên ủng hộ. Điều làm đọc giả rất ngạc nhiên là tác giả bài Thả Con Cá Bắt Con Tép, ông Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất (DL HTN), mặc dù đã xem đó như là một việc làm chính đáng, nhưng thay vì ủng hộ một việc làm chính đáng đó thì tác giả lại dèm pha đủ điều trong toàn bài viết. Chuyện dèm pha, chê bai để phê phán nhau là chuyện bình thường ở một đất nước có tự do dân chủ, nhưng những điều tác giả nêu ra để chê bai, dèm pha lại là những thứ lập luận ngớ ngẩn, chẳng có giá trị thuyết phục.

Tác giả DL HTN đã bàn về hai vấn đề: thỉnh nguyện thư và bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, rồi hàm hồ đi đến kết luận là việc làm của nhóm nhạc sĩ Trúc Hồ và Ts. Nguyễn Đình Thắng là Thả Con Cá Bắt Con Tép, một biểu tượng của việc làm gây hại nhiều hơn lợi, vô bổ, phí công sức. Vậy mục đích của bài viết này là để trưng ra trước công luận những thứ lý luận ngớ ngẩn đó liên quan đến hai vấn đề này.

Dĩ nhiên, bất cứ bài viết nào cũng có một mục đích, có thể rõ ràng, hoặc có thể tiềm ẩn sâu xa ngay trong chính nội dung của bài viết. Tuy nhiên, vì là một người chưa từng tham gia sinh hoạt với bất cứ một tổ chức chính trị nào, cũng chẳng quen biết gì với các nhân vật liên hệ, người viết sẽ cố gắng tránh đoán mò đi tìm động cơ của tác giả, như tác giả đã làm đối với nhạc sĩ Trúc Hồ và Ts. Nguyễn Đình Thắng, mà chỉ nêu ra những sai lầm nghiêm trọng trong lối suy diễn vu vơ dựa trên những kiểu cách ngụy biện chữ nghĩa để đạt cho được một kết luận hoàn toàn chủ quan.

1.     Về Chuyện Thỉnh Nguyện Thư
Trước hết, tác giả DL HTN đã gán ghép thỉnh nguyện thư, một việc làm chính đáng đang được quần chúng ủng hộ, vào sự chỉ đạo của chính quyền Obama cho mục đích vận động lá phiếu của người Mỹ gốc Việt, bằng cách nêu ra tình trạng bán công chức của Ts. Nguyễn Đình Thắng.  Tác giả viết:
"Ông Thắng xưa nay ăn fund của chính phủ để phục vụ đường lối và chính sách của chính phủ. Obama giao việc cho ông là đúng người và đúng việc. Chắc chắn TS Thắng phải biết ông là một loại bán công chức, một thứ Thiên Lôi chỉ đâu đánh đó. Châm ngôn cửa miệng của người mình là: ăn cây nào rào cây nấỵ. TS Thắng hiện ăn cây chính quyền Mỹ không thể không biết rào cây Obama." (Hết trích).

Đây là tâm cảnh còn sót lại của những người đã từng sống trong một chế độ không có sự tự do dân chủ nên vẫn còn lý luận theo một môi trường mà mình đã kinh qua, bất kể khi phải áp dụng vào một môi trường hoàn toàn khác biệt. Điều lý luận của tác giả có thể đúng cho sinh hoạt chính trị ở VN nhưng lại hoàn toàn sai nếu áp dụng vào sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ, một đất nước đề cao và tôn trọng quyền tự do của mọi công dân. Người công chức Hòa Kỳ không bắt buộc phải theo, và càng không thể bị bắt buộc phải hoạt động, cho bất cứ một đảng phái chính trị nào, trừ một số rất nhỏ được chính Tổng Thống đương nhiệm trực tiếp bổ nhiệm để giúp Tổng Thống thực hiện các chính sách do đảng của ông đề ra. Đọc giả không tìm đâu ra được một bằng chứng thuyết phục nào để hỗ trợ cho điều mà tác giả đoán mò vu vơ gọi là "Obama giao việc cho ông (Ts. Nguyễn Đình Thắng) là đúng người và đúng việc", "một thứ Thiên Lôi chỉ đâu đánh đó", ngoài sự việc Ts. Nguyễn Đình Thắng là một bán công chức. Người công chức không phục vụ cho quyền lợi của một đảng phái, họ chỉ phục vụ cho quyền lợi của quốc gia họ. Bởi vậy, khi một chính quyền của một đảng phái bị thay thế bởi một chính quyền của một đảng phái khác, người công chức sẽ không bị mất việc chỉ vì sự thay đổi này, trừ một số rất nhỏ ở thượng tầng chỉ đạo mà người viết vừa đề cập ở trên.

Việc tác giả phàn nàn và thắc mắc "nhưng điều khó hiểu là chuyện này lại xẩy ra vào mùa bầu cử Tổng Thống" cũng không biện minh được điều gì cho lời kết án "giao việc" từ chính quyền Obama. Ở Mỹ, cứ hai năm thì lại có một lần bầu cử ở cấp liên bang. Và bầu khí vận động tranh cử thường đã diễn ra từ hơn một năm trước. Như vậy, có thể nói rằng năm nào cũng có vấn đề bầu cử liên bang được đưa ra để bàn. Vấn đề thỉnh nguyện thư ở thời gian này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Và tiếp theo, tác giả DL HTN lôi Việt Tân vào trong màn đấu tố này khi ông viết:
"Cặp bài trùng Nguyễn Đình Thắng, Trúc Hồ diễn xuất thành công vụ Petition này không chê vào đâu được. Nghe đâu cái loa Tiếng Nước Tôi của Việt Tân dưới quyền điều động của nữ tướng VT Minh Thi, tức bà Trần Diệu Chân, phu nhân TBT Lý Thái Hùng, đổ khá nhiều công lao vào chiến dịch này. Người dân tỵ nạn thắc mắc vụ Việt Khang có phải do VT đầu nậu? Có thể cả TS Nguyễn Đình Thắng lẫn NS Trúc Hồ mang hồn Trương Ba (Việt Tân), nhưng người ta chỉ thấy hai ông khoác chiếc áo da hàng thịt (chống cộng) sặc sỡ bên ngoài. Hai ông đóng tuồng vận động tranh cử cho Obama mà cứ y như là đấu tranh thiệt để giải phóng quê hưong khỏi ách thống trị bạo tàn của VGCS. Thật hết chỗ chê." (Hết trích).

Đây là một lối lý luận ngụy biện vì dựa trên những điều chẳng liên quan gì tới vấn đề. Vấn đề chính yếu ở đây là liệu chiến dịch vận động tự do nhân quyền cho VN bằng thỉnh nguyện thư như chúng ta đang làm có chính đáng hay không. Sự chính đáng đó không đến từ một cá nhân hay một tổ chức. Nó phải nằm nội tại ngay trong sự việc: đó là liệu sự việc có hợp lý trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại hầu có thể đạt được một kết quả tốt đẹp hay không. Một việc làm chính đáng chẳng phải vì nó xuất phát từ thành phần quốc gia; hoặc ngược lại, một việc làm sai trái chẳng phải vì nó xuất phát từ những người cộng sản, huống hồ chuyện đồng hóa Việt Tân với cộng sản hiện đang là một dấu chấm hỏi to tướng. Như vậy, chúng ta ủng hộ ký tên vào thỉnh nguyện thư vì chúng ta tin rằng đó là một việc làm chính đáng và hữu ích trong tiến trình tranh đấu cho tự do và nhân quyền mà chẳng cần phải xét đến đầu nậu Việt Tân hay không Việt Tân.

Cuối cùng, người viết không nghĩ rằng sự thành công của thỉnh nguyện thư "là cái thước đo tinh thần chống cộng của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại" như tác giả đã khẳng định: "Nhiều người hoan hỉ cho rằng rằng kết quả này là cái thước đo tinh thần chống cộng của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại. Đúng thế, bần bút rất đồng ý với nhận định này." Thực ra, đúng hơn,  đấy là thước đo tinh thần của mọi người đang cố gắng chống cái ác và những sai lầm của một chế độ. Chúng ta chống là chống những điều bất công mà dân tộc chúng ta đang phải gánh chịu chỉ vì những sai lầm của một chế độ độc tài, cho dù là độc tài đảng trị, độc tài gia đình trị, hay độc tài tôn giáo trị. Ở thời buổi này, nếu chúng ta hô hào chống một điều gì đó, chỉ vì nó xuất phát từ cộng sản, thì sẽ không thể nào đạt được mục đích, bởi vì cộng sản ngày nay không phải là cộng sản của 50 năm trước.

Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được rằng cộng sản lại đang tôn trọng quyền tư hữu, mở cửa đón chào sự hợp tác của tư bản, và khuyến khích mọi người dân tự do kinh doanh theo tư bản? Đó là một nghịch lý, một thể hiện có tính loại trừ giữa tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, cái này có thì không thể có cái kia. Quyền tư hữu là một trong những quyền căn bản có thể gọi là bản chất của chế độ tư bản, đối nghịch với bản chất tiêu diệt quyền tư hữu, đào tận gốc trốc tận ngọn bọn phú hào địa chủ trong chế độ cộng sản. Nếu bản chất không còn nữa thì tự nó đã bị hủy, và điều còn lại chỉ là một bình phong, một áo khoác bên ngoài. Chiếc áo không làm nên thày tu. Cái vỏ bọc cộng sản bên ngoài của một chế độ không bảo đảm được thực chất bên trong. Có người còn cho rằng đất nước VN hiện đang bị cai trị bởi một bè lũ tư bản đỏ mafia, một điều rõ ràng để nói lên sự thay đổi hoàn toàn 180 độ này. 

Cá nhân người viết cũng đã ký tên vào bản thỉnh nguyện thư bởi vì một quan niệm còn có một cuộc chiến rộng lớn hơn, một cuộc chiến quan trọng và trường kỳ kể từ khi có con người, đó là một cuộc chiến giữa thiện và ác; giữa những điều sai lầm, ngụy tín và các chân lý; giữa độc tài và tự do; giữa tham nhũng, bất công và công lý, v/v… mà vấn đề chủ nghĩa hay chế độ chỉ là một trong những biểu hiệu của cuộc chiến này. Đó là một cuộc chiến rộng lớn mà người viết thầm nghĩ bất cứ người trí thức nào cũng không thể từ chối dự phần. Và bản thỉnh nguyện thư đã đáp ứng được một trong nhiều mục tiêu của cuộc chiến rộng lớn này.

2.     Dân Chủ hay Cộng Hòa?
Những tấn công của tác giả DL HTN đối với đảng Dân Chủ là những lập lại các lập luận của những người thuộc đảng Trà Lá (Tea Party), một tổ chức rất cực đoan và cuồng tín, sẳn sàng áp dụng bất cứ phương tiện nào để đạt cho được mục đích quyền lực chính trị, một ngoại vi của đảng Cộng Hoà. Để cổ động cho đảng này, tác giả viết:
"Vận động cho một ứng cử viên hay bỏ phiếu bầu cho một ứng cử viên là quyền tự do hiến định của mỗi người công dân Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc tỵ nạn chúng ta cũng có cái quyền đó. Chỉ xin thêm một điều là khi sử dụng quyền bầu cử, người VN tỵ nạn CS cần phải thận trọng chọn lựa. Tuyệt đối gạt bỏ những ứng cử viên nào manh tâm muốn đưa nước Mỹ đi vào con đường Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN)." (Hết trích)

Kết án Obama là cộng sản theo đường lối xã hội chủ nghĩa là một lối kết án khá quen thuộc của đảng Trà Lá, rất có kết quả đối với những đọc giả không am tường về sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ.

Chúng ta đều hiểu rằng chẳng có điều gì là tuyệt đối nên cũng chẳng có chủ nghĩa nào là hoàn toàn thích hợp 100% cho việc xây dựng một xã hội để đem lại hạnh phúc cho con người. Mỗi chủ  nghĩa có những điều lợi và bất lợi; do đó, một chế độ xây dựng trên một lý thuyết của chủ nghĩa nào thì không hoàn toàn chỉ áp dụng những lý thuyết của chủ nghĩa đó. Như vậy, chẳng có một chế độ nào là thuần tuý tư bản chủ nghĩa, và cũng chẳng có một chế độ nào là thuần tuý xã hội chủ nghĩa. Có một lằn ranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nhưng lằn ranh này lại không rõ rệt. Phân biệt chủ nghĩa là chỉ phân biệt trong lý thuyết. Đem một chủ nghĩa áp dụng vào thực tế của sinh hoạt chính trị còn phải tuỳ thuộc vào trình độ dân trí, mức sống văn minh, điều kiện văn hoá, địa lý, và lịch sử của quốc gia đó. Sự áp dụng này phải năng động, luôn luôn biến đổi. Chế độ theo tư bản chủ nghĩa của Hoa Kỳ 50 năm về trước không còn là chế độ theo tư bản chủ nghĩa của ngày nay; và chế độ theo xã hội chủ nghĩa của VN ngày nay không phải là chế độ xã hội chủ nghĩa của 50 năm về trước. Những chương trình trợ cấp y tế, xã hội, giúp đỡ người nghèo, những người không có lợi thế về kinh tế… hiện nay đã trở thành rất bình thường ở một chế độ theo tư bản chủ nghĩa; và những khuyến khích việc đầu tư cá nhân, tôn trọng quyền tư hữu… không còn xa lạ gì ở một chế độ theo xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta cũng hiểu rằng sinh hoạt chính trị ở Hoà Kỳ hiện đang được chi phối bởi hai chính đảng: Dân Chủ và Cộng Hoà. Đảng Dân Chủ chủ trương bảo vệ giới nghèo và tầng lớp trung lưu, có lợi tức gia đình dưới 250.000 đô mỗi năm. Những nhà lãnh đạo của đảng này thường có tư tưởng tiến bộ và tự do. Họ dễ dàng chấp nhận sự thay đổi tình trạng hiện tại để thích ứng với mọi tiến bộ của khoa học. Đảng Cộng Hoà thì ngược lại. Họ chủ trương bảo vệ giới giàu có mức lợi tức gia đình trên 250.000 đô mỗi năm. Đó là những chủ nhân của các xí nghiệp lớn, có tập đoàn liên hệ chằng chịt trong mọi thành phần xã hội. Những nhà lãnh đạo của đảng Cộng Hoà thường có tư tưởng rất bảo thủ, không muốn thay đổi tình trạng hiện tại vì họ đang thụ hưởng những ưu đãi của xã hội nhờ sự lỏng lẽo của luật pháp.

Đó là căn bản về sự khác biệt tư tưởng giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà để từ đó chúng ta có thể hiểu biết được những đường lối và chủ trương của họ trong việc hoạch định các chính sách quốc gia. Như vậy, chủ trương củng cố những chương trình trợ cấp y tế, xã hội, giúp đỡ người nghèo không có ưu thế về kinh tế, giảm thuế cho giới nghèo vì hậu quả quá nghiêm trọng của những cắt giảm ngân sách đã ảnh hưởng trực tiếp đến các chương trình trợ cấp xã hội, giữ mức thuế của giới nhà giàu như ở thời chính quyền Clinton để kéo lại sự thăng bằng về ngân sách… tất cả đều phù hợp với đường lối của đảng Dân Chủ từ xưa nay. Hơn nữa, mức độ áp dụng chủ nghĩa xã hội ở Hoa Kỳ hiện nay còn thua xa mức độ áp dụng ở các nước văn minh tiến bộ khác, chẳng hạn như các quốc gia Phần Lan, Thuỵ Điển, Đan mạch, Pháp, Gia Nã Đại, v/v… Cáo buộc Obama là "có manh tâm muốn đưa nước Mỹ đi vào con đường Xã Hội Chủ Nghĩa" là một thủ đoạn mánh mung xuyên tạc, lừa bịp đọc giả để lấy phiếu cho đảng Cộng Hoà.

Tác giả TL HTN còn đưa vấn đề khai sinh của Obama ra để đặt thành vấn đề. Ông viết:
 "Hiến Pháp Mỹ đòi hỏi phải có điều kiện lúc sinh ra đương nhiên là công dân Mỹ (natural born citizen) mới được làm TT Mỹ. Như vậy Obama không đủ điều kiện làm tổng tống. Ông đã phải chi 2 triệu dollars mướn luật sư giỏi nhất nước Mỹ để cover up vấn đề." (Hết trích).

Đó cũng là mánh mung xuyên tạc của nhóm Trà  Lá đã được các toà án liên bang từ chối thụ lý vì không có bằng chứng nào thuyết phục. Chẳng lẽ đọc giả chúng ta quá nhẹ dạ đến nỗi tin rằng "2 triệu dollars mướn luật sư giỏi nhất nước Mỹ" của Obama có thể "cover up vấn đề" một cách dễ dàng vậy sao, một vấn đề sống chết của một chế độ, trong khi tiền chi tiêu của mỗi đảng có thể lên tới 700 triệu đô cho mỗi kỳ bầu cử?

Có một chỉ trích khác khá quan trọng của tác giả DL HTN mà chúng ta không thể bỏ qua vì nó liên hệ đến tôn giáo, dễ gây khích động lòng hận thù tôn giáo. Đó là "Nhà nước Obama cưỡng bách cả các định chế Thiên Chúa Giáo phải bảo hiểm ngừa và phá thai cho nhân viên mặc dù biết rằng như thế là vi phạm quyền tự do tôn giáo được Hiến Pháp Mỹ công nhận."

Thực ra, chính quyền Obama không "cưỡng bách cả các định chế Thiên Chúa Giáo phải bảo hiểm ngừa và phá thai cho nhân viên" mà chỉ buộc các hảng bảo hiểm phải trả chi phí về những dịch vụ liên quan đến vấn đề ngừa thai cho các nhân viên làm việc cho các định chế tôn giáo đang hoạt động với tính cách thương mại, chẳng hạn như các nhà thương tôn giáo hoặc các trường đại học tôn giáo.
(Washington (CNN) – America's Catholic bishops have criticized the White House's mandate for insurers to provide free contraception coverage to employees, but plenty of other Catholic groups have endorsed the plan – some taking swipes at the bishops in the process.)

Cần có sự phân biệt giữa ngừa thai và phá thai. Ngừa thai là biện pháp ngăn ngừa trước khi có sự thụ thai để hạn chế sự sinh sản, còn phá thai là việc làm sau khi đã có sự thụ thai. Tác giả TL HTN đã nhập nhằng gài thêm vấn đề phá thai vào, cố tình xuyên tạc thông tin để gây khích động ở các đọc giả có đức tin tôn giáo. Cũng nên biết rằng vấn đề phá thai đã được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết chung cuộc cho phép trong vụ án Roe v. Wade ngày 22 tháng Giêng năm 1973. Vì có sự chống đối của tôn giáo ở nhiều tiểu bang nên chính quyền liên bang đã để cho các tiểu bang tự ý quyết định. Do đó, hiện nay đang có một số tiểu bang bảo thủ không chấp nhận việc phá thai. Còn việc ngừa thai thì chỉ có Công Giáo là còn chính thức lên tiếng chống đối, trong khi các giáo hội Tin Lành đã từ lâu cho phép các tín hữu tuỳ tiện quyết định một vấn đề cá nhân này.

Vấn đề ở đây là khi có sự xung đột về quyền tự do giữa một định chế tôn giáo và người dân, bất kể thuộc tôn giáo nào, thì chính quyền phải đưa ra sự quyết định. Quyết định thoả hiệp cuối cùng của chính quyền Obama đã được nhiệt liệt ủng hộ của nhiều thành phần, kể cả những thành phần Công Giáo có tư tưởng tự do, chẳng hạn như tổ chức Catholic Charities, USA, và tổ chức Catholic Health Association. Thoả hiệp đó bắt buộc các hảng bảo hiểm phải trả chi phí cho những dịch vụ ngừa thai, chứ không còn bắt các định chế tôn giáo phải trả nữa. Như vậy, chính quyền Obama đã bảo vệ được sự tự do lựa chọn của đàn bà và phụ nữ. Việc quyết định chọn lựa sử dụng dịch vụ ngừa thai hay không là một quyền tự do cá nhân đã được hiến pháp bảo vệ, không thể vì lý do giáo điều tôn giáo của người khác mà cấm cản họ.

Người ta còn phàn nàn rằng chính quyền Obama đã không tôn trọng thoả đáng lương tâm của người Công Giáo. Dù gì đi nữa, những cuộc thăm dò đã cho biết, hiện có 98% những người đàn bà và phụ nữ Công Giáo ở thời kỳ có hoạt động tích cực về tình dục đang sử dụng thuốc ngừa thai. Như vậy, chính Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chuyên làm việc kêu gọi lương tâm người Công Giáo lại đang tích cực chống đối lương tâm người Công Giáo.

Vấn đề suy soái kinh tế là một vấn nạn chung của toàn thế giới. Hơn nữa, cũng nên hiểu rằng chính quyền Obama thừa hưởng mọi khó khăn để lại từ chính quyền Bush của đảng Cộng Hoà: một nền kinh tế trên bờ vực thẳm, có cơ hội cao dẫn đến một sự suy thoái kinh tế trầm trọng. Các hãng lớn về tài chánh và bảo hiểm chuẩn bị khai phá sản. Tình trạng thất nghiệp gia tăng với tốc độ 750.000 người mất việc cho mỗi tháng. Các hãng xe hơi cũng chuẩn bị khai phá sản. Và hiện nay thì sao? Các hãng nhận tiền vay của chính phủ đã phục hồi kinh tế và có kết quả thu hoạch dương, đã trả lại một phần lớn số tiền mượn, kể cả lãi xuất. Mỗi tháng, khu vực kinh tế tư trung bình làm tăng thêm hơn 200.000 công việc mới, giảm tỉ lệ thất nghiệp có khi quá 10% xuống còn 8.3%. Chỉ số Dow Jones vào tháng 3 năm 2009, sau 3 tháng kể từ ngày Obama làm Tổng Thống, từ con số 6.630 nay đã lên tới 13.000. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn mà chính quyền cần Obama phải vượt qua. Nhưng nếu cho rằng cứ bầu đảng Cộng Hoà thì sẽ giải quyết được mọi chuyện thì đó là một ức đoán có tính mị dân. Mấy ông Cộng Hoà cũng chỉ là những con người có giới hạn, không có khả năng làm các phép lạ.

Những chỉ trích vụn vặt kế tiếp của tác giả DL HTN cũng vẫn là lập lại những luận điệu vớ vẩn của đảng Trà Lá, chẳng hạn như chỉ trích "ông Obama dung dưỡng hàng chục triệu dân nhập cư bất hợp pháp, cho họ được quyền ở lại nước Mỹ, được hưởng các benefit như một công dân Mỹ.", hoặc "Dân Mít ít ai ngờ rằng tại Mỹ nhiều người chết cũng được bỏ phiếu, và nhiều nơi người sống bỏ phiếu không cần thẻ có dán hình", mà không hiểu rằng đó là những vấn nạn có trước khi Obama lên cầm quyền, và chính quyền Bush của đảng Cộng Hoà cũng đã bó tay, không bao giờ giải quyết. Đó là một thách đố chung của quốc gia Hoa Kỳ. Cũng nên biết rằng chính quyền Obama là một chính quyền đã trục xuất hơn 400.000 người nhập cư bất hợp pháp trong riêng năm 2011, một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử chính sách di dân Hoa Kỳ.
(The U.S. deported more people — nearly 400,000 — who were in the country illegally in fiscal 2011 than ever before, according to the latest numbers released Tuesday by the Immigration and Customs Enforcement (ICE) bureau. Nguồn: http://thehill.com/homenews/administration/188241-ice-announces-record-breaking-deportations )

Nếu tác giả DL HTN đã khẳng định thỉnh nguyện thư là một vấn đề chính đáng thì tại sao lại còn lên tiếng kết án "Hai ông (nhạc sĩ Trúc Hồ và Ts. Nguyễn Đình Thắng) đóng tuồng vận động tranh cử cho Obama mà cứ y như là đấu tranh thiệt để giải phóng quê hưong khỏi ách thống trị bạo tàn của VGCS. Thật hết chỗ chê."? Theo thiển ý của người viết, đó mới là một thái độ "ngược ngạo",  "thả con cá để bắt con tép"; còn thỉnh nguyện thư, trái lại, là một quyết định có trí tuệ bởi vì một hòn đá đã chọi được hai con chim: con chim của tự do nhân quyền cho VN và con chim cổ động phiếu cho đảng Dân Chủ, một đảng rất xứng đáng để nhận sự ủng hộ của mọi người Việt hải ngoại ở Hoa Kỳ./.
Trần Tiên Long

No comments:

Post a Comment