07 April 2012

Nga “tái xuất giang hồ” tiến vào Biển Đông?

Nga "tái xuất giang hồ" tiến vào Biển Đông?

Ngày 5 Tháng 4, 2012 vừa qua, trang điện tử Việt Ngữ BBC loan tin "Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom tuyên bố tham gia dự án khai thác khí  đốt ở Biển Đông mà công ty Anh BP (British Petroleum) đã phải rút lui dưới áp lực của Trung Quốc. Thông cáo của Gazprom ra hôm Thứ Năm 05/04/12 cho hay hãng này đã đạt thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Nhà Nước PetroVietnam đ cùng khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam. Hai lô này là nơi có các mỏ khí đốt Hải Thạch và Mộc Tinh, nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn giữa quần đảo Trường Sa và bờ biển Việt Nam. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối việc Việt Nam thăm dò khai thác ở khu vực này, mà Bắc Kinh cho là 'nằm bên trong hải giới truyền thống' của Trung Quốc. "

Đây là diễn biến quan trọng bởi vì trước khi quyết định hợp tác chung với Việt Nam để khai thác dầu khí, Nga hiểu rằng đây là một chỗ " khó nhá" nếu can dự vào sẽ phật lòng Hoa Lục và có thể tiến tới xung đột. Chắc chắn Nga phải "gồng mình" vì các cường quốc như Anh (BP), Mỹ (Exxon) cũng đã phải chùn bước trước áp lực, còn Ấn Độ thì cũng còn đang  "tính toán" xem có nên bước thêm bước nữa trong dự án thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai Tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận nữa không. Dự án khai thác của Ấn Độ được sự ủng hộ của Nhật Bản và nhiều lần Việt Nam khẳng định là hai Lô 127 &128 nằm trong chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công Pháp Quốc Tế mà chính Hoa Lục cũng đã công nhận.

Tại sao Nga dám liều lĩnh đi nước cờ như vậy? Câu trả lời nằm trong hai điểm: Lợi thế của Nga và kế hoạch triển khai sức mạnh hải quân của Nga trong thập niên tới.

A) Lợi thế của Nga:
1. Nga là nước cung cấp vũ khí tối tân cho Hoa Lục để Hoa Lục có khả năng phòng vệ, đe dọa các nước Đông Nam Á và đối đầu với Mỹ. Nếu vì quyết định này mà Hoa Lục làm găng với Nga thì Hoa Lục sẽ không còn nguồn cung cấp nào khác. Nếu Hoa Lục đối đầu với Nga thì Hoa Lục sẽ biến Nga thành kẻ thù trong khi Hoa Lục đang phải đối phó với Hoa Kỳ. Chắc chắn Hoa Lục không muốn ở vào tình thế "lưỡng đầu thọ địch". Theo phỏng đoán, Hoa Lục sẽ chỉ phản đối suông rồi âm thầm, hậm hực nhìn Nga hợp tác với Việt Nam khai thác khí đốt tại đây.

2. Nền kinh tế và tài chính của Hoa Kỳ bị cột chặt vào nền kinh tế của Hoa Lục trong khi Nga không không bị lệ thuộc và cũng không phải là "con nợ" của Hoa Lục. Do đó, dù  tức giận, Hoa Lục cũng không thể dùng "chiến tranh kinh tế" để trả đũa. Do tính toán được như thế, Nga dám  đi những bước "mạnh dạn" trong khi Hoa Kỳ thì còn phải thận trọng để tránh gây khủng hoảng cho Á Châu, đặc  biệt cho Đông Nam Á và cho chính mình.

3. Hoa Kỳ dù tiến hành kế hoạch trở lại Á Châu để đối đầu với Hoa Lục  nhưng vẫn cần Hoa Lục trong một số vấn đề quốc tế nóng bỏng, chẳng hạn như Bắc Hàn… trong khi Nga rảnh tay và không vướng mắc vào những vấn đề quốc tế lớn như Iran, Iraq, Afghanistan, Bắc Triều Tiên, Do Thái và Syria. Trong tình thế hiện nay, ngoại trừ Hoa Lục muốn tự biến mình thành "người hùng cô đơn" để đối đầu với toàn thế giới… thì Hoa Lục sẽ phải cần đồng minh… lúc đó không ai khác hơn là Nga.

B) Kế hoạch phát triển hải quân và mở rộng biên cương trên biển của Nga.

Sau khi Liên Bang Xô-Viết xụp đổ, Nga lâm vào tình trạng suy yếu và bất ổn, Mỹ nghiễm nhiên trở thành "Độc Cô Cầu Bại" tức siêu cường Số 1  và đôi lúc phớt lờ tiếng nói của Nga trên vũ đài quốc tế. Nhưng dưới tài lãnh đạo độc đoán và gan lì của Ô. Putin, Nga lần lần hồi phục và tìm cách lấy lại uy thế đã mất của Thời Chiến Tranh Lạnh. Chúng ta nhớ lại có lần Ô.  Kruschev- Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nga , trong một phiên họp của Đại Hội Đồng LHQ, đã rút giày đập lên bàn mà…thế giới nín khe.

Ngày nay, tình hình thế giơi biến chuyển vô cùng phức tạp, dù nợ ngập đầu và kinh tế suy thoái, Mỹ vẫn còn giữ được địa vị siêu cường nhưng sân khấu chính trị thế giới lại nổi bật lên hình ảnh của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy và có thể trở thành nguy cơ cho toàn thế giới. Trước sự giằng co Hoa-Mỹ và chắc chắn đưa tới đối đầu, đây là thời gian chín muồi cho "Con Gấu Bắc Cực" thức dậy sau giấc ngủ  dài mùa đông... xác định quyền lực của mình. Đứng về phương diện chiến lược mà nói,  nếu muốn xác định quyền lực trên thế giới thì không còn cách nào hơn là xây dựng sức mạnh hải quân. Ai làm  bá chủ trên biển là bá chủ thế giới.

Theo các trang tin điện tử, vào ngày 14/02/2012 - Nga công bố kế hoạch chi tiêu 200 tỉ đô-la  để phát triển lực lượng hải quân.Trước năm 2014, Nga sẽ cho chế tạo tàu ngầm phi hạt nhân mới. Đến năm 2020, có thể hoàn thiện một hàng không mẫu hạm với khả năng chiến đấu hầu như trên tất cả mọi địa hình. Tin tức này được Tư lệnh Hải quân Nga – Đô đốc Vladimir Vysotsky đưa ra. Hải Quân Nga sẽ trang bị tên lửa chiến lược Bulava, tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgoruky. Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch tái thiết các căn cứ hải quân. Theo một bản tin khác thì tàu ngầm lớp Borey đầu tiên của Nga có thể gia nhập hạm đội Thái Bình Dương vào tháng 6/2012. Tám tàu khác sẽ sớm được sản xuất. Tàu ngầm năng lượng hạt nhân mới Yury Dolgoruky đang được chạy thử, ba tàu khác đang trong các giai đoạn hoàn tất. Cũng theo tư lệnh hải quân Vladimir Vysotsky, 36 tháng nữa, hải quân Nga sẽ đưa tàu tấn công lớp Mistral đầu tiên vào hoạt động. Mỗi tàu lớp Mistral có khả năng chở 16 máy bay trực thăng, 70 xe bọc thép và 450 binh sĩ. Các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga sẽ nối lại hoạt động tuần tra thường xuyên trên các vùng biển quốc tế khắp thế giới kể từ tháng 6/2012. Để triển khai kế hoạch mở rộng biên cương trên biển, Nga đã tiến hành những bước như sau:
1)      Để duy trì ảnh hưởng ở Đông Nam Á cũng là" cái rốn" của Á Châu, dù không nói ra, nhưng Nga cần một đồng minh tin cậy -  mà giở lại lịch sử  thì không ai khác hơn là Việt Nam. Trong Thời Kỳ Chiến Tranh Lạnh - Nga đã viện trợ cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa một khối lượng vũ khí khổng lồ. Dù sau khi Liên Bang Xô-Viết xụp đổ, rời quân cảng Cam Ranh năm 2002, Nga vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Việt Nam. Ngày 20/11/2006 Tổng Thống Putin đã chính thức  thăm Việt Nam và cũng để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC. Ngày 26/10/2010 Tổng Thông Medvedev cũng đã thăm Việt Nam,  tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) và ghé thăm Chùa Trấn Quốc.
2)      Liên tục trong nhiều năm qua, Nga đã bán cho Việt Nam những vũ khí tối tân như máy bay tiêm kích tàng hình Su-27SK và Su-30MK2 (tương đương với F-16 của Hoa Kỳ), hộ tống hạm Gepard, phi đạn siêu âm Brahmos diệt hàng không mẫu hạm với tầm bắn 500 Km và tàu ngầm lớp Kilo. Nga còn hợp tác để sản xuất ngay tại Việt Nam phi đạn Uran (SS-N-25 Switchblade), theo một dự án tương tự như việc hợp tác sản xuất loại tên lửa siêu âm BrahMos giữa Nga và Ấn Độ. Những vũ khí tối tân này khiến Việt Nam trở thành quốc gia có sức mạnh quân sự mạnh nhất Đông Nam Á và dĩ nhiên làm Hoa Lục vô cùng khó chịu.
3)      Ngày  25/3/2010 hãng thông tấn Nga loan tin Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Anatoly đã thông báo với các nhà báo rằng Hải Quân Nga sẽ giúp Hải Quân Việt Nam trong việc xây dựng căn cứ đồn trú tàu ngầm nhưng không nói rõ căn cứ đó ở đâu, Cam Ranh hay Đà Nẵng?
4)      Ngày 7/5/2011,  một hạm đội bao gồm Tàu Đô đốc Vinogradov săn tàu ngầm, tàu chở dầu hạng trung Pechenga và tàu cứu cấp SB-522 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga do Trung Tá Hải Quân Kovalev Ivan Alexandrovich chỉ huy đã  thăm Việt Nam và ghé Cảng Tiên Sa , Đà Nẵng.
5)      Vào ngày 3/4/2012,  Đoàn Đại Biểu Ủy Ban Khoa Học và Công Nghệ Cao Quốc Gia của Nga, do Ô.Chereshnhev Valeriy Alexandrovich làm trưởng đoàn đã sang thăm và cam kết hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực lập pháp, khoa học kỹ thuật.
6)      Hôm qua 6/4/2012 (giờ Việt Nam)  ba chiến hạm  Nga do Hải Quân Đại Tá  Ahmerov Ildar làm trưởng đoàn cùng 500 thủy thủ trong đó có lực lương đặc nhiệm đã vào Cảng Sài Gòn, bắt đầu chuyến thăm 6 ngày. Hạm đội bao gồm khu trục hạm Admiral Tributs, tàu tiếp vận Pechenga và tàu lai dắt cứu hộ MB-37. Đây là chuyến ghé thăm lần thứ hai. Lần trước vào năm 2001.
7)      Không phải chỉ ngấm ngầm biến Việt Nam thành "đồng minh" chiến lược, theo Báo Điện Tử Đât Việt, Nga còn xác định ASEAN là một ''mắt xích'' quan trọng trong việc đưa Nga hội nhập vào nền kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nga và ASEAN đã có chính sách khuyến khích các công ty của Nga và các nước thành viên ASEAN cùng tham gia đầu tư vào dự án lớn, trong đó sẽ chú trọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất các thiết bị công nghệ cao, chế tạo cơ khí và chế tạo thiết bị xe hơi, xây dựng đường giao thông, kỹ thuật nông nghiệp và các thiết bị điện tử - điều mà trước 1975 không hề có. Theo thống kê của Nga,  tính tới năm 2007, Indonesia đã mua của Nga 1 tỉ đô-la vũ khí. Còn Malaysia thì cũng đã bỏ ra 900 triệu để mua máy 18 máy bay tiêm kích Su-30MKM của Nga thay vì mua F-16 của Mỹ.
Tạm kết luận:
Nhìn vào những diễn biến trên chúng ta có thể nói rằng Nga đang mạnh dạn triển khai kế hoạch tiến vào  Đông Nam Á  để tranh giành ảnh hưởng với Hoa Lục và Hoa Kỳ. Trong khi Mỹ công khai công bố "Kỷ Nguyên Á Châu", ngoài những cuộc tập trận trên biển với Úc Châu, Nhật Bản Singapore, Phi Luật Tân và Thái Lan, triển khai 200 thủy quân lục chiến ở Darwin, Úc Châu và gửi 300 lính biệt kích tới Phi Luật Tân, "chiến lược nhân quyền" đã ngăn trở Mỹ tiến xa hơn nữa trong quan hệ "đối tác chiến lược" với Việt Nam.  Hoa Kỳ cũng chưa có những kế hoạch viện trợ hay đầu tư đáng kể vào Đông Nam Á trong khi Hoa Lục đã viện trợ cho Kampuchia 8 tỉ đô-la.  Ngoài ra, do nền kinh tế bị cột chặt vào cỗ xe Hoa Lục và không muốn đụng chạm, Hoa Kỳ còn đang lưỡng lự, chưa rút lui nhưng cũng không có dấu hiệu tiến tới trong dự án Exxon Mobil khai thác dầu tại Lô 119 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam thuộc các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Trong khi đó thì Nga lại "can đảm" đứng chung với Việt Nam khai thác lô mà BP của Anh đã phải bỏ đi trước áp lực.

Chắc chắn Phi Luật Tân đang  theo dõi sít sao vụ này. Nếu Nga thành công, có nghĩa là việc khai thác diễn ra êm xuôi, Phi Luật Tân có thể sẽ  theo chân Việt Nam ký hợp đồng với Nga để  thăm dò và khai thác tại những vùng mà Phi Luật Tân cho là thuộc chủ quyền của mình và bị Hoa Lục chèn ép. Nếu thế, uy tín của Nga sẽ lên cao. Trước con mắt của các quốc gia Đông Nam Á, Nga có thể là "người hợp tác đáng tin cậy" và ảnh hưởng của Nga tại vùng này sẽ tăng nhanh. Trong bài  "Mỹ Trở Lại Á Châu Như Thế Nào ? " phổ biến ngày 27/02/2012 tôi đã viết "Chiến lược trở lại Á Châu của Hoa Kỳ không rõ ràng là vì cùng lúc Hoa Kỳ vừa muốn hợp tác với Hoa Lục lại vừa muốn răn đe, ngăn chặn Hoa Lục. Giống như một người vừa muốn hợp tác làm ăn với bạn, một mặt lại muốn đốn ngã ông bạn mình." Ngoài ra, do Hoa Kỳ xa rời vùng này quá lâu (35 năm) cho nên khi quay trở lại tình hình và bầu không khí chính trị hoàn toàn đổi khác, cho nên chưa định hình nổi phương thức "trở lại". Ngoài Úc Châu, Hoa Kỳ chưa có một đồng minh chiến lược ở vùng này trong khi Phi Luật Tân thì quá yếu và vẫn muốn giữ quan hệ ngoại thương 30 tỉ đô-la mỗi năm với Hoa Lục. Sự xuất hiện của Nga khiến tình hình Đông Nam Á có thể chuyển hướng. Ngày hôm nay, tại Biển Đông, sự khai thác tài nguyên trên một vùng biển nào đó, nếu diễn ra êm xuôi, cũng là hình thức xác định chủ quyền. Nếu Nga mạnh dạn tiến tới và Hoa Lục chỉ phản đối lấy lệ thì chủ quyền của Việt Nam trên những vùng biển này được củng cố và xác định vĩnh viễn - điểu mà Hoa  Kỳ không làm được.

Chắc chắn Hoa Kỳ đang chú tâm theo dõi động thái  này. Nếu Nga thành công thì Hoa Kỳ phải làm gì ? Nếu không kịp giải tỏa những vướng mắc, Hoa Kỳ có thể  lâm vào cảnh "trâu chậm uống nước đục" và chiến lược "Trở Lại Á Châu" của Hoa Kỳ sẽ vô cùng phức tạp. Nó phức tạp vì Hoa Kỳ rồi đây -  một mặt phải cân bằng quyền lực với Nga - một mặt phải chuẩn bị đối đầu với Hoa Lục mà không gây một cuộc khủng hoảng mới ở Đông Nam Á. Đây là bài toán vô cùng khó khăn.

Với chuyển động này, cùng nhịp với kế hoạch tăng cường sức mạnh và hiện diện hải quân, Nga chính thức công bố cho thiên hạ biết Nga đã "tái xuất giang hồ", tiến vào Biển Đông để lấy lại uy thế thời Chiến Tranh Lạnh. Quy luật muôn đời của thế giới là "Không có nước mạnh nào chịu ngồi yên để nhìn nước mạnh khác muốn làm gì thì làm." Chúng ta chờ xem.

Đào Văn Bình
(Ngày 6 Tháng Tư, 2012)

No comments:

Post a Comment