04 August 2012

bản dịch Phật Quang Đại Từ điển của Hòa thượng Thích Quảng Độ




LỜI GIỚI THIỆU
bản dịch Phật Quang Đại Từ điển
của Hòa thượng Thích Quảng Độ 



2012-08-03 | Võ Văn Ái | Quê Mẹ 

Vừa thoát ách Pháp thuộc, liền bị rơi ngay vào chiến tranh rồi tranh chấp đến nay, dồn dập suốt 67 năm ròng. Nước ta chưa hình thành Hàn lâm viện để định chế ngữ văn trên bước tiến hóa của nhân loại, và sự đổi thay chuyển biến mỗi ngày trong cộng đồng dân tộc. Long đong theo những loạn động của thời thế, văn hóa và ngữ học mắc phải hệ lụy chưa biết ngày nào thoát thân.

Riêng trên phương diện làm từ điển hay tự điển thôi, đủ thấy học thuật Việt Nam giẫm chân tại chỗ hàng thế kỷ. Làm sao người Việt nắm bắt học thuật, văn hóa, tư tưởng, khoa học… nước ngoài tiến bộ vùn vụt qua các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, v.v… nếu không có các bộ từ điển ngoại ngữ trong tay ? Cho tới nay, hầu như làm từ điển còn là nỗ lực cá nhân, những cá nhân thao thức, tự phát và trí tuệ. Từ thập niên 30, thế kỷ trước, người lập công đầu làm Tự điển Pháp Việt và Hán Việt là cụ Đào Duy Anh. Ông chỉ một mình trước tác, dịch thuật với sự giúp đỡ làm phích của cụ bà hiền nội. Tuy dịch các từ Pháp, Hán, nhưng với óc sáng tạo của cụ, ngôn ngữ Việt bỗng phong phú lên bội phần trên mọi lĩnh vực. Nhờ những từ ngữ đối chiếu mới mẻ ấy, mà học thuật Việt Nam chuyển mình bước lên đường tân học, bước chân vào thế giới văn minh. Giúp người Việt diễn tả các hoạt động tiến hóa của loài người. Từ đó trở về sau, có thêm không quá mươi cuốn tự điển Pháp Việt khác của những tác giả khác, nhưng đa phần chỉ là chiếu sao, rút từ hay ảnh hưởng lời chữ của Đào Duy Anh. Ít thấy chất sáng tạo ngôn ngữ hay bổ sung các từ mới khi cuộc sống và thời đại nẩy sinh không ngừng. Về từ điển Phật học ở nước ta chỉ sơ sài mấy cuốn. Khởi từ thập niên 60 có cuốn Phật học Tự điển dày 1530 trang của Cư sĩ Đoàn Trung Còn. Hai mươi năm qua có thêm cuốn Tự điển Phật học Việt Nam của Hòa thượng Thích Minh Châu và Minh Chi dày 818 trang do Nhà xuất bản Khoa học xã hội in năm 1991, Từ điển Phật học Hán Việt, hai tập, dày 2127 trang, dựa theo bộ Thực dụng Phật học Từ điển của Lô Quán Cao và Hà Tử Bồi xuất bản tại Thượng Hải, Trung quốc. Bộ này do Hòa thượng Kim Cương Tử chủ biên với 11 soạn giả của Hội Phật giáo Nhà nước thực hiện ở Hà Nội từ năm 1992 đến 1994. Sự thật chỉ có 10 soạn giả, vì họ ghi bừa thêm tên Hòa thượng Thích Quảng Độ, dù chẳng bao giờ ngài liên hệ, cộng tác. Bộ này dịch thuật sai sót, nhầm lẫn rất nhiều.

Không như cách làm việc ở các nước Tây phương. Lấy hai cuốn Từ điển tiếng Anh và tiếng Pháp làm ví dụ. Cuốn Từ điển Oxford tiếng Anh chiếu theo ấn bản thứ 3 đã có sự hợp lực của 300 nhà bác học, nghiên cứu, phụ giảng ngoại ngữ, tham vấn, với ngân qũy 35 triệu đồng bảng Anh (tương đương 55 triệu Mỹ kim) để thực hiện. Cuốn Từ điển Robert của Pháp, vượt cuốn Larousse một bực, xuất hiện đầu thập niên 50 thế kỷ XX, với một bộ biên tập 50 chuyên gia ngôn ngữ. Tái bản hằng năm, bổ sung chữ mới, chữ lạ.

Phật Quang Đại Từ điển bản chữ Hán do hơn 50 học giả Phật giáo thuộc Phật Quang Đại Tạng kinh Biên tu Ủy viên hội ở Đài Loan biên soạn trong mười năm 1978 – 1988.

Thập niên 30 ở thế kỷ trước, ông Đào Duy Anh cặm cụi làm việc một mình cho bộ Từ điển Pháp Việt dày 1958 trang, và Hán Việt tự điển 610 trang. Nhưng thời ấy là thời hòa bình dù còn thuộc Pháp. Sách vở nghiên cứu dễ mua, dễ kiếm. Ngày nay, Hòa thượng Thích Quảng Độ một mình dịch gần 8000 trang từ điển trong chốn lao tù, bức bách. Hầu như lịch sử mới có một trường hợp này. Chỉ phong thanh tin cụ Huỳnh Thúc Kháng học thuộc lòng cuốn tự điển Larousse nhỏ, thời gian Pháp giam cụ ở Côn đảo.

Phật Quang Đại Từ điển mà Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch thuật gồm 6 cuốn, với 7 triệu chữ giải thích các từ đề mục. Hòa thượng bắt đầu vào việc tháng giêng năm 1990, hoàn thành cuối năm 1997. Cần lưu ý 1990 là năm Hòa thượng còn bị nhà nước Cộng sản Việt Nam lưu đày ở xã Vũ Đoài, tỉnh Thái Bình miền Bắc. Lệnh trục xuất khỏi thành phố Saigon đưa về nguyên quán quản chế do Ủy ban Nhân dân Tp Hồ Chí Minh đọc ngày 25.2.1982, với tội danh "làm tôn giáo là làm chính trị". Qua năm 1992, không thấy nhà nước xác định thời hạn quản chế hay đưa ra xét xử, Hòa thượng viết thư thông báo nhà đương quyền ; kỳ hạn trong vòng một tháng Hòa thượng sẽ tự sắp xếp trở về nơi trú xứ ở Saigon. Đúng kỳ hạn, Hòa thượng lấy tàu lửa trở về Nam, tá túc nơi Thanh Minh Thiền viện, và tiếp tục công trình dịch thuật Phật Quang Đại Từ điển. Cuối năm 1994, nạn lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long khiến cho nửa triệu người sống cảnh màn trời chiếu đất. Nhân danh Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn cứu trợ đem thực phẩm, thuốc men, áo quần phân phát cho đồng bào nạn dân. Đến chuyến đi thứ ba, thì đoàn xe cứu trợ tám chiếc bị công an chận tại Saigon, bắt giam ngay một số chư Tăng và Cư sĩ trong phái đoàn. Sang ngày 4.1.1995 đến bắt Hòa thượng. Tòa án Nhân dân Tp Hồ Chí Minh đưa ra xét xử hôm 15.8.1995, kết án Hòa thượng 5 năm tù và 5 năm quản chế, đưa ra giam ở Trại tù Ba Sao, Nam Hà, sau chuyển qua Trại tù B14, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì gần Hà Nội.

Đáp ứng yêu cầu của Hòa thượng, nhà đương quyền cho phép tiếp tục việc dịch thuật trong tù. Hòa thượng Thích Thanh Minh đi thăm nuôi, mang ra cho Hòa thượng bộ Phật Quang chữ Hán, 100 tập vở học trò và 100 cây bút Bic. Dịch xong tập vở nào, quản giáo đến tịch thu, viết biên nhận tập vở mới. Bút Bic nào hết mực, quản giáo đến lấy đi, viết biên nhận lãnh cây bút mới.

Do công luận quốc tế và LHQ lên tiếng, cùng sự vận động của Phật tử trong và ngoài nước, Hòa thượng được ân xá tháng 10 năm 1998. Trước ngày rời nhà tù, Hòa thượng yêu sách trả lại các tập vở dịch thuật bộ Phật Quang Đại Từ điển. Quản giáo nói phải viết đơn xin mới được. Hòa thượng đáp, đây là công trình của tôi, không ai làm đơn xin lại tài sản mình bao giờ. Thế là Trại B14 ở Thanh liệt tiếp tục nhốt tù tất cả các tập vở thủ bút dịch thuật kia.

Về Saigon, Hòa thượng bỏ ra hai năm để làm lại việc đã xong trong thời gian lao lý.

Phải đọc công trình dịch thuật Phật Quang Đại Từ điển mới thấy học thuật Hòa thượng thâm viễn, ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, và thù ứng với các từ Hán, Phạn tương đương. Tinh thông, nhuần nhuyễn, thanh thoát qua từng câu văn. Không còn là một tác phẩm dịch thuật, mà là tác phẩm văn chương trong lĩnh vực triết học và tư tưởng Phật giáo qua ngôn ngữ Việt. Vừa tường giải, vừa đối chiếu, mỗi từ mục là một bài thâm nhập giáo lý siêu thoát nhưng thực chứng của đạo Phật.

Mỗi từ hay mục từ đều kèm theo chữ Hán và chữ Phạn để người đọc nào quen thuật ngữ Hán hay Phạn dễ thâm nhập khi đối chiếu tiếng Việt. Thử lấy một nhóm từ mà ta thường tụng đọc, hay nghe nói, tuy có khi chưa hiểu tận nghĩa :Bát Nhã Ba La Mật. 

Không chỉ là chữ đối chữ, vào Phật Quang Đại Từ điển tập I, trang 464, sẽ được giải thích như sau :

Bát nhã ba la mật

Thật rốt ráo cho những ai am hiểu Phật giáo, lại được thâm nhập, khám phá thêm các bộ kinh khác tường giải mục từ. Với những ai Phật học còn sơ cơ, sẽ thấy hiện ra một số từ rối rắm như Thanh văn, Bích chi Phật, Ba la mật, pháp, nhất thiết chủng trí, Bồ tát, tự tính, nhân quả, nghiệp, v.v…, thì hẳn tiếp tục tra cứu các từ ấy trong toàn bộ 7 triệu chữ Phật Quang Đại Từ điển, tất sẽ được thấu đạt, hiểu ra các điều tưởng như kỳ bí, tối tăm.

Ngoài những từ ngữ, đề mục thuộc phạm vi Phật pháp, các bộ kinh qua các trường phái Bắc tông, Nam tông, Mật tông, v.v…, các tranh tượng Phật giáo ; Từ điển còn bao hàm các danh hiệu chư Phật, chư Bồ tát, hành trạng các vị cao tăng, thiền sư trong lịch sử Phật giáo châu Á, cùng những công trình xây cất danh lam, chùa viện thâm nghiêm, hùng vĩ, những vết tích lịch sử từ thời đức Phật trải qua các thời đại. Chỉ lấy một ví dụ ngôi chùa lộ thiên kỳ vĩ Borobudur ở đảo Java bên Nam dương, làm tốn biết bao mực nghiên cứu của các học giả phương Tây, được Phật Quang Đại Từ điển giải thích :

Bà La Phù Đồ / Borobudur, dịch ý là Tinh xá trên núi. Cũng gọi là Ba la phù đồ, Xà ba la phù đồ. Là thánh địa Phật giáo cực kỳ tráng lệ, ở thôn Bà la phù đồ thuộc Mã cát lãng, trung bộ đảo Java của Ấn ni (Indonesia), có thể sánh ngang với Vạn lý trường thành ở Trung quốc, Kim tự tháp của Ai cập, Đế thiên đế thích ở Cao miên, lăng Thái cơ ma cáp (Taj Mahal) ở Ấn độ, là một trong những kiến trúc vĩ đại của thế giới. Công trình này được xây dựng vào thế kỷ thứ IX Tây lịch, dưới triều vua Tái lãng độ lạp tư, trải 80 năm mới hoàn thành. Bản thân kiến trúc là một bậc thềm giống như Kim tự tháp. Bề dài bề ngang đều 123 mét, cao 42 mét, sau vì ngọn tháp nhọn Đại Phật khám bị sét đánh đổ, nên nay độ cao chỉ còn 31 mét, chia thành mười tầng. Hình thức kiến trúc biểu lộ sự kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa và Mật giáo, toàn bộ khu kiến trúc cũng như một Mạn đồ la vĩ đại, dưới rộng trên nhọn, không có cửa ra vào, đàn tế và chỗ ngồi cố định.

Là chùa lộ thiên, phân biệt tầng trên, tầng giữa, tầng dưới, tượng trưng cho Vô sắc giới, Sắc giới, Dục giới : tầng nền bằng với mặt đất, do 160 khối đá bản, điêu khắc nổi, miêu tả Dục giới cấu thành, dùng thủ pháp có tính hí kịch để biểu hiện sự làm ác ở hạ tầng, đậm đà ý vị quả báo thiện ác khuyên răn người đời. Thuận theo phương hướng… v.v… và v.v… giải thích còn dài nữa (xin xem tiếp ở tập I, tr 235).

Tưởng các sách hướng dẫn du lịch không thể viết rõ hơn về một danh lam thắng cảnh kỳ vĩ như Borobudur, nhất là không thể hiểu sâu các biểu tượng Phật giáo cùng những nhánh giáo lý đạo Phật thể hiện trên mặt đá phù điêu, chạm khắc như một Tạng kinh sống của nghệ thuật thứ bảy, nhưng đã thực hiện từ mười hai thế kỷ trước.

Người ở xa nước, không được gần gũi chư Tăng Ni, Thiện tri thức thông hiểu giáo lý, có bộ Phật Quang Đại Từ điển trong tay sẽ như được sống bên vị Thầy cao cả về đường Phật lý. Và điều chắc chắn, sẽ không bao giờ bị xa lìa với chân ngữ của đạo Phật, hay bị suy diễn đạo Giác ngộ thành loạn tưởng của tà giáo vào thời Mạt pháp hôm nay.

Tiền đồ Phật học Việt Nam có phát huy, tiến bộ chăng, phần lớn sẽ nhờ vào bộ Phật Quang Đại Từ điển bản dịch Việt văn của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Và cũng sẽ là tiền đề cho sự rộ nở của triết học, của tư tưởng Việt Nam còn sơ khai hôm nay. Nhớ lại hồi thế kỷ VII Tây lịch, thánh tăng Huyền Trang bỏ 15 năm trường, xuyên sa mạc Gobi hoang vắng, hiểm nghèo, sang Ấn độ thỉnh Kinh Phật. Về nước ngài phiên dịch ra Hán văn dưới thời Đường. Tiếp sau những dịch phẩm của ngài Kumârajîva (Cưu ma la thập) đời Đông Tấn thế kỷ V, các bản dịch của ngài Huyền Trang với óc sáng tạo dồi dào, chữ nghĩa độc đáo, thâm huyền, làm rộ nở, phong phú, đổi mới văn học, ngôn ngữ và tư tưởng Trung quốc.

Sẽ lợi ích biết bao cho hàng chục nghìn Tăng, Ni, hàng triệu người học Phật trong nước, nếu Phật Quang Đại Từ điển được xuất bản tại Việt Nam. Thế nhưng nhà đương quyền đặt điều kiện muốn in phải xóa bỏ tên dịch giả, Thích Quảng Độ. Vì vậy, năm 2000, Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh thuộc Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc cho xuất bản lần đầu tại Đài Loan. Nay đã tuyệt bản. Do nhu cầu học hỏi của Phật tử Việt Nam trên năm châu đòi hỏi, và được Hòa thượng Thích Quảng Độ ủy quyền, tôi hân hoan thúc đẩy Nhà xuất bản Quê Mẹ ở Paris ấn hành Phật Quang Đại Từ điển vào mùa thu năm nay, 2012, gồm 6 tập, dày 7374 trang.

Nhân Hòa thượng dặn tôi viết lời giới thiệu khi tái bản, nên có đôi lời thảo vội trên đây trong những ngày nằm bệnh, thêm nữa nhà in thúc hối để lên khuôn ấn loát.

Phật lịch 2556, dương lịch ngày 7.6.2012
Paris, Bệnh viện Saint Joseph
Võ Văn Ái

http://bit.ly/OOGFMZ


No comments:

Post a Comment