01 October 2013

Cánh tay vạn năng bẻ cong mọi con đường

 
 Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 30.9.2013

                  
Cánh tay vạn năng bẻ cong mọi con đường

Đây không phải là cánh tay "vạn năng" như bạn đã đọc trong bài tôi đã tường thuật về "hiệu ứng nói phét" vào ngày 05-7-2013. Xin nhắc lại sơ qua, đó là chuyện "Huyền Thoại Tay Không Quật Ngã Trực Thăng UH–1 Của Mỹ." Ông Bùi Minh Kiểm (71 tuổi, ở đường số 5, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) được nhà báo Hạ Nguyên tường thuật lại trong mục Người Nổi Tiếng trên Báo Phụ Nữ Today tại VN.


Xin trích lại nguyên văn một câu ngắn trong bài báo này, "Nhìn người đàn ông tuổi ngoài lục tuần, thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, khỏe mạnh, ít ai biết được rằng ông đã từng dùng đôi bàn tay ấy để ghì chặt một chiếc máy bay UH – 1 của Mỹ xuống mặt đất."

Bài báo ngay sau đó có "hiệu ứng" tức thì, có hàng trăm lời bình luận gay gắt như một người dân đã viết, "Câu truyện thần thoại vô chứng cứ với những chi tiếtlố bịchđến mức con nít tiểu học nước ngoài cũng phải thốt lên là"bốc phétthì cũng vừa vừa thôi, còn để dành chỗ cho chữ ký!," thế mà báo nhà nước vẫn đăng mới nản!"

Chỉ số thông minh của ông anh hùng và ông nhà báo

Sau bài tường thuật "nguyên si" đăng trên các báo, tôi nhận được thư của một bạn đọc ở Canada. Anh bạn hỏi tôi, "À, thì ra thế, bây giờ tôi mới hiểu tai sao ở miền Bắc trước đây, người ta hay khoe cứ ra ngõ là gặp anh hùng. Vậy đố bác VQ biết ông anh hùng dùng tay kéo máy bay địch xuống đất có óc tưởng tượng cao nhất thế giới có chỉ số thông minh là bao nhiêu? Còn cái ông gọi là nhà báo, tin đó là chuyện có thật nên viết lại, thì ai thông minh hơn ai? Theo tôi thì chỉ số IQ của ông nói phét kia là 40, còn ông nhà báo thì thấp hơn một tí là 38 thôi. Bác nghĩ sao?"

Vị độc giả bắt tôi phải tra cứu để biết chính xác chỉ số thông minh của người Việt chúng ta hiện nay, trung bình là 96. Còn người cực giỏi như nam diễn viên Dolph Lundren chỉ số thông minh lên tới 160. Về nữ, cô diễn viên Kate Beckinsale cũng có IQ mức 160. Còn siêu mẫu thế giới Cindy Crawford có chỉ số IQ 154 cũng khiến bao người phải mơ ước.
 

Tôi không dám đồng ý hay phản bác dự đoán của bạn độc giả ở Canada, xin nhường lại để bạn đọc "cho điểm" giùm về chỉ số thông minh của ông anh hùng và ông nhà báo.

Còn câu chuyện hôm nay tôi tường thuật với bạn đọc, nếu chỉ số thông minh trung bình của người Việt là 96 thì tôi lại tin là những ông tôi sắp kể ở đây có chỉ số thông minh cao hơn một tí là 97. Tức là thông minh hơn người thường, chứ không thể so sánh với các vị bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, ngoại trừ bác sĩ học từ y tá huyện, kỹ sư "lèo" và tiến sĩ giấy. Xin thưa trước rằng các ông này cũng có cánh tay vạn năng, nhưng khác hẳn ông tóm máy bay địch xuống đất. Bởi dù ông anh hùng có "bốc láo" cũng chỉ là trò khôi hài cho thiên hạ thôi chứ không thiệt hại đến của cải vật chất của ai. Còn cánh tay vạn năng bẻ cong mọi con đường gây thiệt hại rất nhiều, không chỉ về của cải vật chất của dân mà còn về uy tín, nhân phẩm của các quan đầu ngành, đầu tỉnh nữa.

Ngán chủ tịch tỉnh nên bẻ con đường thẳng thành cong

Dư luận không chỉ ở Vĩnh Long mà đang lan rộng ra xã hội, hiện nay đang xôn xao bàn tán xung quanh chuyện nhà của ông nguyên chủ tịch tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu lấn chiếm đất công con đường Bạch Đàn (phường 4, TP Vĩnh Long), đang bị đập bỏ, để trở lại đúng thiết kế cũ. Thiết kế cũ phải kể đến từ năm 1996 khi chính quyền tỉnh làm dự án mở đường Bạch Đàn.

Theo thiết kế từ năm 1996, đường Bạch Đàn, vốn là con hẻm tráng xi măng được UBND tỉnh quy hoạch mở đường với chiều rộng 30m, dài 480m nối từ đường Trần Phú đấu vuông góc với đường Phạm Thái Bường.Vỉa hè đường Bạch Đàn, TP Vĩnh Long rộng đúng 4.5m.

                                              
                                             Căn nhà không ra nhà của người dân luôn chịu nước lép trước các quan.

Với thiết kế này, con đường sẽ đâm thẳng vào nhà ông Phạm Văn Đấu, lúc đó mới chỉ là giám đốc công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long. Theo đúng thiết kế đó, nhà ông Đấu mất 17m chiều ngang, chỉ còn lại hơn 1m.

Năm 2002, ông lên chức phó chủ tịch rồi lên chủ tịch UBND tỉnh. Lúc này bỗng nhiên con đường... bé lại, do "cơ quan tham mưu" điều chỉnh thiết kế con đường, từ rộng 30 m còn có 18 m, tức là mất tiêu luôn 12 m! "Tim đường" bắt đầu được đẩy ra xa nhà ông Chủ tịch. Nó... sợ! Hay nó nịnh ông chủ tịch tỉnh? Có lẽ là cả hai.

Năm 2009, cán bộ thiết kế thi công và thẩm định của Sở Giao Thông - Vận Tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Long vì "ngán" chủ tịch tỉnh nên đã tùy tiện né ngôi nhà, bóp vỉa hè nhỏ lại chỉ còn khoảng 3m.

Né đất nhà quan, nhà dân thiệt hại nặng

Nhìn vào đoạn đường đã hoàn thành thấy có hình cong chữ S (theo quy hoạch ban đầu là một đường thẳng). Khởi đầu hướng sang phải một khúc ngắn rồi bẻ sang trái, rồi lại nắn sang phải, sau đó chạy thẳng vào phần đất nhà bà Lê Thị Kim Khoa nhằm né phần đất của chủ tịch tỉnh Vĩnh Long.
                                               
           Nhà hàng bà Lê Thị Kim Khoa (mũi tên vàng) và nhà ông Phạm Văn Đấu, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (mũi tên đỏ) xây nhà cho ngân hàng thuê lúc chưa làm đường.

Đất của bà Khoa rộng gần 1,600 m2. Từ lâu, bà Khoa mở nhà hàng Thiên Tân nơi đây, kinh doanh rất phát đạt. Khi xuất hiện dự án đường Bạch Đàn, gia đình bà phải mướn đất nơi khác để kinh doanh.
 
Bà cho biết, việc nắn đường đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho gia đình và bà đã yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng.
                                              
                                        Trước và sau khi đập bỏ một phần bậc thềm nhà cựu chủ tịch tỉnh Vĩnh Long.

Năm 2009, con đường hoàn thành giai đoạn 1, bà Khoa tá hỏa thấy giai đoạn 2 thi công chạy thẳng lấy hết đất nhà hàng của bà Khoa. Trong khi đó, phần đất nhà ông Đấu lại nằm ngoài quy hoạch. Do đó, cả 2 căn nhà ông Đấu cho ngân hàng thuê và nhà ông này ở đều thoát tầm quy hoạch!

Vào thời điểm này, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, đường cong queo thì vẫn nằm trong quy hoạch 30m của dự án ban đầu.
 
Theo Sở này, việc điều chỉnh dự án là do UBND tỉnh, và việc vẽ quy hoạch là do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm!

Cánh tay vạn năng đẩy nhà quan nhảy ra mặt tiền

Người dân Vĩnh Long đều biết, không chỉ riêng gì nhà ông chủ tịch Đấu được hưởng lợi từ việc "nắn đường" thẳng thành cong.
 
Dự án mở rộng đường Bạch Đàn còn cho hàng loạt ngôi nhà của quan chức cấp tỉnh bỗng nhiên có đường lớn chạy sát qua nhà, với mặt tiền đẹp, cho đúng với giai cấp "nhà mặt phố, bố làm to."

Trở lại việc bị mất đất, bà Khoa có đơn khiếu nại đòi bồi thường, đến tháng 8/2009, phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ thị cho UBND tỉnh Vĩnh Long giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền.
 
Tuy nhiên, tháng 12/2009, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định bác toàn bộ yêu cầu của bà Khoa.

Cuối tháng 6/2010, bà Khoa lại gửi đơn khiếu tố khẩn cấp về việc có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn thay đổi quy hoạch để trục lợi đến Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng, văn phòng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương và cục phòng chống tham nhũng của thanh tra chính phủ.

Đến năm 2011, khi chủ tịch Đấu đã nghỉ hưu, tòa án tỉnh Vĩnh Long nhận đơn kiện của bà Khoa và năm 2012 xử phiên sơ thẩm.
 
Vẫn như quyết định của tỉnh trước đó, lần này bà Khoa lại bị bác đơn với lý do UBND tỉnh quy hoạch đúng!
 
Bà chủ nhà hàng tiếp tục khiếu kiện, chống án và mới đây Tòa án tối cao đã vào cuộc.
 
Đến thời điểm hiện tại, tòa tối cao đã 2 lần hoãn xử vì các bên chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ.

Sở GTVT và ông cựu chủ tịch nói gì

Năm 2013 này, ông chủ tịch đã trở thành... cựu Chủ tịch, sự việc bỗng nhiên lại ầm ĩ. Rút cục mới đây được biết, cơ quan chức năng đã bắt đầu đập phần xây vượt phép của ông này, mở rộng vỉa hè cho đúng 4.5m theo dự án phê duyệt (trước đó, chỉ có 3m).

Cũng đúng lúc này, trả lời báo chí, giám đốc Sở GTVT Vĩnh Long thừa nhận, việc "nắn" đường Bạch Đàn (trước đây) là vì "ngán" ông cựu chủ tịch tỉnh (khi đó là chủ tịch). Đó là lời thú nhận thẳng thắn nhưng muộn màng. Sở này cũng đang làm báo cáo và nhận khuyết điểm với UBND tỉnh trước sự việc này.
 
Trước dư luận ồn ào, điều ngạc nhiên là ông cựu chủ tịch tỉnh bất ngờ nói ngược: "Tôi xây nhà còn chưa hết đất. Chỉ là do anh em người ta làm, người ta láng trước, láng sau..., chứ có phải lấn chiếm gì đâu?"(ĐVO, ngày 11/8). Dân gian nói chẳng sai, đúng là"miệng nhà quan có gang có thép," nói kiểu gì cũng được.

Chưa bàn, đâu là sự thật của vụ này. Do "anh em người ta làm," hay do cái cánh tay vạn năng của chủ tịch khiến "anh em người ta" khiếp sợ nên tự nó... làm, hoặc chủ tịch có "gợi ý" gì cho các quan chức làm quy hoạch không hoặc có họp kín với các quan có nhà đưa ra mặt phố không, chẳng ai biết.

Chưa biết tòa án sẽ xét xử vụ kiện của bà Khoa ra sao và chưa biết bản báo cáo nhận khuyết điểm của Sở GTVT tỉnh thành thật tới đâu, nhưng nỗi ngán ngẩm của người dân là có thật bởi dịp này họ có thể nhìn rõ tư cách và nhân phẩm của các "cán bộ" tỉnh này như thế nào. Vừa làm việc vừa ngán quan, vừa phải tính đến chuyện nịnh quan như kiểu bẻ cong cả một con đường đã được quy hoạch thì chắc khó có nơi nào trên thế giới này theo kịp. Sự thông minh phục vụ cho công việc thì ít, sử dụng cho chiêu trò nịnh hót, bợ đỡ thì nhiều. Suốt ngày các ông ấy chỉ ngồi "tôi luyện trí thông minh," cùng nhau học tập mọi mánh khóe chạy chọt, thế nên chỉ số thông minh của các ông này, tôi nghĩ là 97, trên người thường 1 điểm, cũng chẳng có gì lạ. Người dân bình thường đâu có nhiều thì giờ để tôi luyện IQ theo kiểu này. Thật ra chuyện bẻ cong mọi con đường phục vụ cho lợi ích của các quan đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác. Đây chỉ là một chuyện điển hình.


Nhân bàn đến chuyện nịnh bợ sếp đủ kiểu, bây giờ ở VN còn có kiểu "dâng ô sin" cho sếp (chắc bạn đã biết, lâu nay ở VN quen gọi mấy cô giúp việc nhà là "ô sin").

Nhân viên dâng ô sin lấy lòng sếp

Hết đưa phong bì, tặng quà nghìn đô... để kết thân, "bôi trơn" mối tình đồng nghiệp đồng chí trong công việc, nhiều người còn đem cả ôsin đang làm việc tại nhà mình làm quà biếu sếp. Dâng ô sin ở đây không có nghĩa là cho sếp "làm bậy" mà chỉ để giúp việc nhà chân chính. Bởi thời nay mượn người giúp việc rất khó, chiều chuộng đủ thứ vẫn chưa yên, còn phải o bế hơn chị em ruột nữa. Một mối lo khác là ô sin từ quê ra, hơi xinh xắn một tí lại hay có bồ, báo chí đăng đầy tin, nhiều cô đã bị dân lưu manh rủ rê sát hại chủ nhà để trộm cướp. Do đó nhiều ông bà sếp rất thận trọng nên càng khó kiếm người giúp việc. Có hàng trăm chuyện như thế này, xin kể hai chuyện vừa xảy ra tại Hà Nội.
                                              
          Thời buổi khó khăn, để nịnh sếp, nhiều người còn mang
ô sin nhà mình sang "làm quà" biếu sếp.

- Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Tùng và chị Hoàng Thị Ngọc ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cả tuần nay trong cảnh người rửa bát, dọn nhà, người trông con. Anh chị đã gọi điện thoại cho người thân, bạn bè ở quê nhờ tìm hộ một giúp việc mà vẫn chưa tìm được.

Chị Ngọc kể, nhà có con nhỏ, hai vợ chồng lại đi làm cả ngày tối mới về, do đó rất cần người trông con, giúp việc nhà. Trước đây, gia đình thuê một người dưới quê. Người này làm được hơn 2 năm, mọi việc đều gọn gàng, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm. Thế nhưng, vừa rồi vợ ông giám đốc của chồng có nhờ tìm giúp một bác giúp việc vì ôsin cũ đột ngột bỏ việc về quê. Chồng chị tìm mãi không được đành bàn với vợ đưa ô sin nhà mình qua giúp sếp rồi tìm người thay thế sau. Chị cho biết:

"Ban đầu tôi không chịu vì giờ tìm được ô sin biết việc, ưng ý không hề dễ, lại còn phải đào tạo cho người ta quen với việc nhà mình. Song nghe chồng nói, muốn ghi điểm, làm thân với sếp (mà quà cáp thì sếp không thiếu) nên cuối tuần trước, hai vợ chồng đành thuyết phục ô sin sang nhà sếp làm".

Thấy vợ chồng tôi dẫn sang, hai vợ chồng sếp mừng ra mặt, còn khen chúng tôi khéo ăn ở. Hôm qua, ông giám đốc còn gọi điện thoại cho chồng mình nói ôsin mới làm việc tốt, vợ sếp rất ưng và ngỏ lời muốn mời cả hai vợ chồng mình đến chơi nhà. Xem ra, sếp có vẻ chú ý và thân thiết với gia đình mình hơn.

- Tương tự, chị Trần Thu Tâm ở phố Chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang chạy ngược chạy xuôi cả tháng nay để tìm người giúp việc mới vì người cũ chị đã nhường cho cậu em trai đưa sang nhà sếp làm.
 
Theo lời chị Tâm, công ty của cậu em đang lên kế hoạch giảm biên chế (tức là bớt nhân viên) nên nó suốt ngày gọi điện thoại thở ngắn than dài, không biết biếu sếp cái gì. Nhà sếp cái gì cũng có, hiện chỉ thiếu mỗi... người giúp việc.

Thấy vậy, chị Tâm mách là tìm một cô ôsin tử tế xem sao, nhưng tìm mãi không được, em trai chị liền sang xin luôn ôxin giúp việc nhà chị với lý do "ôsin nhà chị làm việc nhà thạo rồi, chăm trẻ nhỏ cũng tốt, rất giống với hoàn cảnh gia đình sếp của em cũng đang có con nhỏ. Chị cho em xin, mai kia em tìm bù cho chị ôsin mới...."

"Vì công việc của nó nên tôi đành phải đồng ý." Chị Tâm còn nói thêm, nửa tháng sau thấy cậu em trai thông báo không bị mất việc, sếp lại còn tin tưởng gọi vào phòng hỏi han xem công việc có khó khăn gì không?
 
Không chỉ đưa osin của gia đình, người thân làm "quà biếu sếp," nhiều người còn chấp nhận trả thêm tiền lương cho ôsin để họ làm tốt việc nhà cho sếp, còn mình có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Khỏi bàn luận gì nhiều, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, bạn đã thấy cánh tay vạn năng vô hình của các sếp thời hiện đại dài và khéo tới cỡ nào!

Ông tổng giám đốc phang vào đầu người phục vụ đến bất tỉnh

Trên đây là những chuyện các "đàn em" của sếp xu nịnh, còn nhiều ông sếp lại ngang tàng, phách lối theo nhiều kiểu khác nhau. Chỉ cần lườm một cái là toàn thân đàn em co dúm lại, run lẩy bẩy, chưa nói đến những kiểu đe dọa khác, có khi đoạt cả tình của cấp dưới. Những "chuyện tình gác trọ" xảy ra trong âm thầm, lặng lẽ; lâu lâu mới có chuyện bị "khui" ra, báo chi đăng tùm lum. Mới đây có chuyện ông tổng giám đốc một công ty nhà nước đi chơi gôn, đang tức mình bèn dùng cây gậy đánh gôn phang vào đầu anh phục vụ làm anh bất tỉnh, phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.
                                               Chân dung Tổng giám đốc Nguyễn Đức Sơn phang gậy đánh gôn
lên đầu nhân viên phục vụ đến bất tỉnh.

Trong khi đánh golf tại sân golf Tam Đảo, ông Nguyễn Đức Sơn (ở Hà Nội) đã dùng gậy golf đánh vào đầu nhân viên phục vụ khiến người này phải đi cấp cứu. Được biết Nguyễn Đức Sơn là tổng giám đốc công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
 
Ban điều hành CLB sân golf Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa ra một thông báo về việc truất quyền chơi golf tại sân golf Tam Đảo do người chơi đã gây thương tích cho một "caddie" (người phục vụ trên sân golf).

Cụ thể, theo công văn này, vào khoảng 1 giờ trưa ngày 15-9 vừa qua, tại hố golf số 13, Ông Nguyễn Đức S. (ở phố Đặng Tất, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bất ngờ dùng gậy "putt" đánh vào đầu nhân viên phục vụ số 054.Sau cú đánh của ông S., nhân viên này bị ngất. Nhân viên bị đánh là người phục vụ cho một người chơi golf cùng là ông Nguyễn Văn T., chứ không phải là nhân viên phục vụ cho ông S.

Ngay sau khi nhận được tin báo, ban điều hành sân golf Tam Đảo đã lập biên bản vụ việc tại chỗ và nhanh chóng đưa nhân viên phục vụ đi cấp cứu, khám và điều trị. Theo ban điều hành sân golf Tam Đảo, hành động của ông S. đã vi phạm nghiêm trọng về văn hóa ứng xử trên sân golf nói chung và quy tắc, văn hóa ứng xử trên sân golf Tam Đảo nói riêng.Do đó, Ban điều hành đã bắt buộc phải áp dụng biện pháp truất quyền chơi golf với thời hạn 1 năm (kể từ ngày 16-9) đối với ông hội viên này.

Chơi golf ở Tam Đảo tốn kém bao nhiêu?

Gặp gỡ báo chí sáng 23-9, ông Sơn cho biết do bực mình trong lúc chơi golf nên đã dùng gậy đánh golf "gõ nhẹ" vào trán của nhân viên phục vụ tên là Trương Tiến Công (SN 1986) với ý định nhắc nhở chứ không phải cố ý đánh người. Ông Sơn cho biết đã tới nhà xin lỗi và bồi thường cho anh Công 5 triệu đồng. Do gia đình anh Sơn đã làm đơn bãi nại nên công an tỉnh Vĩnh Phúc đã để hai bên tự giải quyết.
                                              
                                                   Chơi golf ở sân golf Tam Đảo tốn ít nhất 1,6 triệu đồng 1 lần chơi.


Nếu anh Công không ngã ra bất tỉnh vì cú đập đó chắc còn nhiều anh phục vụ ăn đòn dài dài. Cánh tay "vạn năng" của ông tổng giám đốc Sơn này đáng sợ thật, mới chỉ "gõ nhẹ" một phát mà anh Công đã ngã ra bất tỉnh.
 
Được biết, mỗi lần chơi ở sân golf Tam Đảo, người chơi lẻ mất $82 USD (hơn 1.6 triệu đồng VN) vào ngày thường, $172 USD (hơn 3.5 triệu đồng) ngày Chủ Nhật. Thẻ hội viên 25 năm $38,000 USD, 48 năm $74,000 USD (hơn 1.5 tỉ đồng) cùng tiền phải đóng để bảo dưỡng 17 triệu đồng/năm. Như vậy việc đền bù vài triệu bạc là chẳng thấm thía gì với một "đại gia." Ngay cả nếu hào phóng hơn, ông Tổng có đền bù cho anh Công 50 triệu cũng chẳng thấm thía gì và chưa chắc đã đủ tiền nghỉ việc, chữa bệnh.

Người dân đã lên tiếng phản ứng:
 

- Bạn truongson@gmail.com viết, "Ông Sơn là một giám đốc doanh nghiệp nhà nước, không hiểu lương ông được bao nhiêu mà đi chơi golf nhỉ. Đã đánh golf lại còn dở thói côn đồ, không biết ông có biết tháng lương của người lao động có bằng 1/1000 cái thẻ chơi golf của ông ấy không."

- Bạn Nguyễn Công Lý, "Theo tôi phải làm rõ hành vi này, không thể để đồng tiền có thể bịt mọi thứ được. Ông Sơn là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, tiền đâu mà chơi golf với tần suất nhiều như thế, và có bỏ bê công việc để đi chơi hay không?."

-Ban nguyễn hoàng giang la làng, "Ôi sướng thật, Lãnh đạo nhà nước mà trung bình 1 tuần 2 lần đi đánh golf? Không biết lấy tiền ở đâu nhỉ?."
 
Mặc dù anh Công đã bãi nại nhưng cái tiếng xấu của ông tổng giám đốc Cty nhà nước kia chẳng thể nào xóa sạch. Chắc tôi không phải bình luận gì thêm về hình ảnh và lương tâm của những vị được gọi là công chức nhà nước này./.

Văn Quang

No comments:

Post a Comment