05 March 2017

Tin Cập Nhật T7.04.03.2017

Tin Cập Nhật T7.04.03.2017

Tin Thế GiớiTin Hoa KỳTin Việt Nam


Tin Thế Giới
1. Bộ Ngoại giao Mỹ bị chỉ trích vì lặng lẽ công bố báo cáo nhân quyền

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu đã công bố báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền toàn thế giới nhưng việc công bố đã bị lu mờ bởi những chỉ trích nói rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson đã không dành nhiều sự chú ý và không tổ chức rầm rộ như truyền thống.

Ông Tillerson từ chối đích thân công bố bản báo cáo, phá vỡ một tiền lệ được thiết lập trong các chính quyền cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Một quan chức cao cấp trả lời câu hỏi của phóng viên qua điện thoại với điều kiện giấu tên thay vì xuất hiện trước camera ghi hình, cũng là một sự phá vỡ tiền lệ.

"Bản báo cáo tự nó nói lên tất cả," quan chức này trả lời như vậy trước câu hỏi tại sao ông Tillerson không đứng ra công bố. "Chúng tôi rất, rất tự hào về nó, những sự thật [trong bản báo cáo] nên là chuyện đáng lưu ý ở đây."
Báo cáo, do Quốc hội Mỹ chỉ đạo thực hiện, ghi nhận tình hình nhân quyền ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và do các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ soạn thảo. Báo cáo năm nay phần lớn được hoàn thành trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Theo bản báo cáo, cảnh sát Philippines và những người cảnh giới "đã sát hại hơn 6.000 người buôn ma túy và người sử dụng ma túy" kể từ tháng 7 và những vụ giết người ngoài vòng pháp luật đã "tăng mạnh" ở Philippines vào năm ngoái. Các quan chức Philippine nói chính phủ của họ không dung chấp những vi phạm nhân quyền hoặc những vụ giết người ngoài vòng pháp luật do chính phủ bảo trợ.

Ngôn ngữ của bản báo cáo về Nga nhìn chung vẫn giống như những năm trước, lưu ý "hệ thống chính trị độc đoán của nước này do Tổng thống Vladimir Putin thống trị."

Tổng thống Donald Trump đã nói ông muốn cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga.

Theo truyền thống, ngoại trưởng Mỹ công bố bản báo cáo với những phát biểu công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền đối với chính sách đối ngoại của Mỹ và nêu bật những phát hiện cụ thể.

Những người tiền nhiệm thuộc chính quyền Dân chủ, ông John Kerry và bà Hillary Clinton, đã công khai phát biểu về bản báo cáo vào năm 2013 và năm 2009, là những năm đầu tiên họ tại chức, và tiếp tục thông lệ này trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Năm 2005, trong chính quyền của Tổng thống Cộng hòa George W. Bush, thứ trưởng ngoại giao đặc trách sự vụ toàn cầu Paula Dobriansky, giới thiệu bản báo cáo này trước camera ghi hình thay mặt cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice.

Cho tới nay trong nhiệm kỳ được một tháng của mình, ông Tillerson vẫn chưa tổ chức cuộc họp báo nào và hầu như không trả lời câu hỏi của giới truyền thông.

Các tổ chức nhân quyền chỉ trích cách thức mà bản báo cáo được giới thiệu.

Rob Berschinski, phó chủ tịch cao cấp về chính sách của tố chức Human Rights First, nói: "Việc này báo hiệu sự thiếu quan tâm và hiểu biết cơ bản về việc sự ủng hộ đối với nhân quyền phản ánh những gì tốt nhất ở Mỹ ra sao."

Ông Berschinski từng là phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho đến ngày 20 tháng 1, và là người đã giúp điều phối bản báo cáo.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio hôm thứ Sáu viết trên trang Facebook của mình rằng ông "thất vọng vì ngoại trưởng đã không giới thiệu bản báo cáo mới nhất."

Ông Rubio viết: "Sự lãnh đạo của Mỹ trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người, thay mặt cho những người mà tiếng nói của họ đã bị buộc phải im lặng, lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết." – VOA

2. Kyodo: Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tháng này để thảo luận về Bắc Triều Tiên trong chuyến đi đầu tiên của ông tới khu vực này kể từ khi ông nhậm chức, truyền thông Nhật Bản đưa tin hôm thứ Bảy.

Chuyến đi của ông Tillerson diễn ra vào lúc Mỹ và Trung Quốc cố gắng bình ổn mối quan hệ sau một khởi đầu bấp bênh sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, cũng như giữa lúc căng thẳng gia tăng liên quan đến Bắc Triều Tiên sau vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi không có bất kỳ chuyến đi nào để thông báo vào thời điểm này." Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể liên lạc được để xin bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa hồi đáp yêu cầu bình luận ngay tức thì.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản, dẫn các nguồn tin ngoại giao, cho biết ông Tillerson dự kiến sẽ tới Nhật Bản vào ngày 17 và 18 tháng 3 và sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida.

Ông Tillerson và ông Kishida có phần chắc sẽ thảo luận về thời điểm mà ông Trump đến thăm Nhật Bản, Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết như vậy.

Tại Trung Quốc, ông Tillerson sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và có thể là Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Kyodo. Hãng tin này cho biết thêm hai bên dự kiến sẽ tổ chức một cuộc hội kiến ở Mỹ giữa ông Tập và ông Trump vào đầu tháng 4.

Tháng trước, ông Tillerson và ông Vương đã điện đàm với nhau, và họ khẳng định tầm quan trọng của một mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc mang tính xây dựng.

Cũng tháng trước ông Tillerson đã yêu cầu Trung Quốc làm tất cả mọi thứ có thể để kiềm chế hành vi gây bất ổn của Bắc Triều Tiên sau một loạt những vụ bắn thử phi đạn đạn đạo của nước này.

Ông Trump, người từng công kích Trung Quốc về các vấn đề từ thương mại cho tới Biển Đông, đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, thành viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết Trì vào tháng trước. Đó là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của ông với một thành viên thuộc hàng ngũ lãnh đạo của Trung Quốc.

Tòa Bạch vào lúc đó nói rằng cuộc gặp gỡ là cơ hội để thảo luận về những lợi ích chung và một cuộc hội kiến khả dĩ với Chủ tịch Tập.

Tại Seoul, ông Tillerson dự kiến sẽ gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung Se. Họ có thể sẽ thảo luận về chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên cũng như vụ ám sát ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, theo Kyodo.

Tình báo Hàn Quốc và các quan chức Mỹ nói vụ giết người ở Malaysia là một vụ ám sát được tổ chức bởi các điệp viên của Bắc Triều Tiên. – VOA

3. Quan chức Philippines thăm hàng không mẫu hạm Mỹ — Đô đốc Mỹ: "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông"

Bộ trưởng quốc phòng cùng hai thành viên chính phủ Philippines hôm 4/3 đã lên một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đang tuần tra ở Biển Đông theo lời mời của hải quân Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez và Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre II đã lên thăm USS Carl Vinson cùng với ba quan chức an ninh khác của Philippines, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Manila, Molly Koscina, được Washington Post dẫn lời cho biết như vậy như vậy.

Tờ báo của Mỹ nhận định rằng chuyến thăm cho thấy sự tiếp xúc cấp cao giữa quan chức Philippines và quân đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte "dọa" sẽ giảm bớt sự hợp tác với các lực lượng Mỹ trong khi ngả về Trung Quốc và Nga.

Phía Bắc Kinh chưa có phản ứng tức thời về chuyến thăm USS Carl Vinson của quan chức đứng đầu lực lượng quốc phòng Philippines, nhưng Trung Quốc từng phản đối Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông.

Đại sứ Mỹ tại Manila, Sung Kim, tháp tùng các quan chức Philippines lên thăm hàng không mẫu hạm Mỹ, và trên đó, họ chứng kiến các chiến đấu cơ F18 cất và hạ cánh, cũng như gặp các chỉ huy hải quân Mỹ khi USS Carl Vinson hiện diện ở vùng biển tranh chấp.

USS Carl Vinson là hàng không mẫu hạm đầu tiên được Mỹ triển khai thực hiện tuần tra ở Biển Đông dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.

Hãng tin Reuters hôm 28/2 dẫn lời một quan chức Mỹ rành về dự thảo gia tăng quốc phòng của Mỹ đưa tin rằng tiền tăng thêm "sẽ được dành cho việc đóng tàu, "tậu" máy bay quân sự và tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ tại các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông". – VOA

***
Ngày 03/03/2017, một đô đốc của Mỹ tuyên bố là hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở vùng biển này.

Thiếu tướng hải quân James Kilby đã tuyên bố như trên với các phóng viên được mời lên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trong một chuyến tuần tra ở Biển Đông.

Cụm tàu sân bây tấn công USS Carl Vinson đã bắt đầu đợt tuần tra « thường lệ » ở vùng biển này từ ngày 18/02 vừa qua. Hôm qua, các quan chức hải quân Mỹ cho biết là chiếc USS Carl Vinson đang tuần tra tại một nơi nằm giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và bãi cạn Scarborough ngoài khơi phía tây bắc của Philippines.

Đô đốc Kilby nói : « Chúng tôi đã hoạt động ở đây trong quá khứ, chúng tôi sẽ hoạt động tại đây trong tương lai và sẽ tiếp tục trấn an các đồng minh của chúng tôi ». Theo lời viên thiếu tướng hải quân Mỹ, Hoa Kỳ « sẽ tiếp tục chứng tỏ rằng vùng biển quốc tế là vùng biển mà bất cứ ai cũng được quyền lưu thông, giao thương ».

Theo hãng tin AP, tuyên bố của đô đốc Kilby được đưa ra sau khi có tin là Trung Quốc đang chuẩn bị đặt các hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông, vào lúc mà chưa ai rõ là chính quyền Donald Trump có sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện như hiện nay của Mỹ ở châu Á hay không. – RFI

4. Chống "can thiệp từ bên ngoài", Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng thêm 7% vào năm 2017. Trong thông báo ngày 04/03/2017, Bắc Kinh cho biết mục đích chính là nhằm đẩy lui « mọi sự can thiệp từ bên ngoài » vào lúc tổng thống Donald Trump hứa một khoản ngân sách lớn cho lực lượng quân sự Mỹ. Con số chính thức sẽ được công bố trong phiên khai mạc Quốc Hội Trung Quốc ngày 05/03.

Ngân sách quốc phòng năm 2017 của Trung Quốc sẽ đạt đến 1.020 tỉ nhân dân tệ, so với 954 tỉ nhân dân tệ cho năm 2016. Theo AFP, dù mức tăng cho năm 2017 tương đương với năm 2016 (7,6%) nhưng lại là một trong những mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm gần đây.

Bắc Kinh tăng chi phí quân sự từ thập niên 1980 để bắt kịp các nước phương Tây, mà đỉnh điểm là gần 18% vào cuối những năm 2000. Trong vòng 15 năm qua, ngân sách quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần, tuy nhiên vẫn chỉ tương đương với 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ (575 tỉ euro), song vượt qua các nước Nga (56 tỉ euro), Ả Rập Xê Út (54,1 tỉ euro), Anh Quốc (49,9 tỉ) và Pháp (44,9 tỉ).

Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc khiến các nước trong vùng lo ngại, trong đó phải kể đến các yêu sách của Bắc Kinh về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, bên lề phiên họp ngày 04/03, phát ngôn viên Phó Oánh (Fu Ying) của Quốc Hội Trung Quốc vẫn khẳng định : « Chúng tôi kêu gọi giải quyết một cách ôn hòa mọi tranh chấp. Song song đó, chúng tôi vẫn phải tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và chúng tôi chống mọi can thiệp từ bên ngoài ».

Phát biểu trên được cho là nhắm đến Washington, vì Hoa Kỳ thường xuyên phái chiến hạm đến khu vực Biển Đông để thách thức Bắc Kinh. Vào tháng 01/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng dọa phong tỏa khu vực để cấm Trung Quốc vào các đảo nhân tạo mà nước này đang kiểm soát.

Theo đánh giá của chuyên gia Barthélémy Courmont, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp (Iris), "quyết định tăng ngân sách của Trung Quốc được đưa ra vì nhu cầu tương xứng với sự khẳng định sức mạnh của Trung Quốc, vừa là một cường quốc kinh tế đang phát triển mạnh vừa là một nhân tố chính trị và địa chính trị ngày càng được củng cố trên trường quốc tế". – RFI

5. Trung Quốc: Một quan chức cao cấp chỉ trích việc kiểm duyệt Internet

Một cố vấn cao cấp của chính phủ Trung Quốc cảnh báo là việc kiểm duyệt Internet gây cản trở cho nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế. Đây là lời chỉ trích công khai hiếm thấy nhắm vào một vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc.

Ngày 04/03/2017, báo chí chính thức của Trung Quốc trích lời phó chủ tịch Chính Hiệp (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) La Phú Hòa (Luo Fuhe) nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm trước rằng, do Internet bị kiểm duyệt, tốc độ truy cập các trang web nghiên cứu của nước ngoài rất chậm, khiến các nhà nghiên cứu Trung Quốc phải mua phần mềm để vượt « tường lửa », thậm chí phải ra nước ngoài để tiến hành nghiên cứu. Phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc cho rằng điều này là « không bình thường ».

Các công cụ kiểm duyệt Internet rất tinh vi khiến nhiều trang web báo chí và trang mạng xã hội của nước ngoài bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc. Những thảo luận về các chủ đề chính trị và về các vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng và Đài Loan cũng thường xuyên bị kiểm duyệt.

Ông La Phú Hòa đưa ra tuyên bố nói trên vào lúc các lãnh đạo Trung Quốc và đại biểu Quốc Hội đang có mặt tại Bắc Kinh để chuẩn bị tham dự kỳ họp thường niên sẽ kéo dài 10 ngày. Chính Hiệp, cơ quan cơ quan cố vấn cho Quốc Hội Trung Quốc, thì đã khai mạc cuộc họp thường niên từ hôm 03/03.

Theo hãng tin AP, hiếm khi nào các quan chức Trung Quốc bình luận về chính sách kiểm duyệt Internet và nếu có nói thì thường là chỉ nhấn mạnh đến việc phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, ông La Phú Hòa đã dám phát biểu mạnh dạn như vậy có lẽ vì ông cũng là phó chủ tịch Hội Xúc tiến Dân chủ Trung Quốc (Dân Tiến Hội), một trong 8 chính đảng nhỏ mà đảng Cộng Sản cầm quyền cho phép hoạt động để chứng tỏ tính « dân chủ » của thể chế. – RFI

6. Thái Lan: Cựu trợ lý của tân vương lãnh án tù vì tội xúc phạm hoàng gia

Một trợ lý của tân vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn vừa bị kết án 5 năm tù rưỡi vì tội xúc phạm hoàng gia và các tội khác. Bản án được một tòa án quân sự tuyên ngày 03/03/2017, chỉ hai tuần sau khi hoàng gia sa thải trợ lý trưởng của quốc vương.

AFP, trích thông cáo của cảnh sát Thái Lan, cho biết Chitpong Thongkum bị kết tội vì đã hành xử « làm mất lòng tin và gây tổn hại nghiêm trọng cho hoàng gia ». Phát ngôn viên của tòa án quân sự từ chối bình luận về trường hợp này.

Ngoài tội xúc phạm hoàng gia, Chitpong Thongkum còn bị kết án về tội « ăn trộm tài sản trong cơ quan nhà nước » và « vi phạm luật về y tế và mỹ phẩm » với tổng cộng án tù là « 4 năm và 18 tháng » song không nêu rõ quy chế nào bị vi phạm.

Ông Chitpong phụ trách an ninh cho tân vương Maha Vajiralongkorn, kế vị vua Bhumibol từ cuối năm 2016. Theo cáo buộc ban đầu của hoàng cung, ông Chitpong có những tuyên bố sai lệch về tân vương vì lợi ích cá nhân, "tiết lộ bệnh án cá nhân và ăn cắp tài sản của quốc vương". – RFI

7. Malaysia trục xuất đại sứ Bắc Hàn

Malaysia nói đã trục xuất đại sứ Bắc Hàn do liên quan đến vụ điều tra cái chết của ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un.

Kang Chol phải rời khỏi Malasyia trong vòng 48 tiếng, theo bộ ngoại giao nói.

Động thái mới này diễn ra sau khi đại sứ Bắc Hàn nói quốc gia của ông 'không tin tưởng' cuộc điều tra của chính quyền Malaysia.

Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, thiệt mạng từ ba tuần trước sau khi bị tấn công bằng chất độc vào mặt tại sân bay Kuala Lumpur.

Malaysia không nêu đích danh Bắc Hàn đứng sau vụ tấn công với chất độc thần kinh VX, nhưng tỏ ra nghi ngờ Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm.

Ông Kang, vốn chỉ trích nặng nề Malaysia, nói cuộc điều tra đã trở nên 'chính trị hóa' và bị can thiệp.

Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman, tuyên bố đại sứ Bắc Hàn là 'người không được hoan nghênh' và nói Malaysia đã yêu cầu một lời xin lỗi từ chính quyền Bắc Hàn nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.

"Malaysia sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với những lời lẽ xúc phạm hoặc những âm mưu làm hủy hoại thanh danh của quốc gia," ông Anifah nói trong một thông cáo.

Trong khi đó, chính phủ nói họ đã phát động một cuộc điều tra vào một công ty tên là Glocom, hãng đã hoạt động tại Malaysia trong nhiều năm.

Theo một báo cáo mật của Liên Hợp Quốc, Glocom được điều hành bởi cơ quan tình báo hàng đầu của Bắc Hàn để bán các thiết bị thông tin liên lạc quân sự, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Malaysia cũng đã thông báo hủy miễn thị thực cho du khách người Bắc Hàn, vì lý do an ninh. Trước đó, Malaysia đã triệu hồi đại sứ tại Bình Nhưỡng trong khi tiến hành điều tra vụ sát hại. – BBC

Tin Hoa Kỳ
8. Tổng thống Trump cáo buộc cựu Tổng thống Obama nghe lén — Ông Obama bác bỏ cáo buộc nghe lén của TT Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama, nghe lén văn phòng của ông tại tòa nhà Trump Tower ở Thành phố New York trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2016.

Trong một loạt những dòng tin đăng trên Twitter hôm thứ Bảy, ông Trump đã ví hoạt động nghe lén mà ông cáo buộc với vụ bê bối chính trị Watergate, dẫn đến việc cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức vào năm 1974.

Ông Trump không trưng ra bằng chứng cho thấy bất kỳ hoạt động nghe lén nào. Văn phòng của ông Obama chưa đáp lại những cáo buộc này, nhưng một cựu quan chức cao cấp trong chính quyền của ông Obama được CNN dẫn lời nói rằng cáo buộc này là "sai trái."

Trong một dòng tin Twitter, cựu phân tích gia của Cơ quan An ninh Quốc gia và điệp viên phản gián John Schindler nói rằng lời buộc tội của Tổng thống có thể liên quan đến Đạo luật Do thám Tình báo Nước ngoài năm 1978 (FISA), cho phép do thám hợp pháp và thu thập thông tin giữa các nước ngoài và những điệp viên của họ.

Thành viên cao cấp nhất của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Ben Cardin, cho biết nếu chính quyền của ông Obama có do thám tại Trump Tower thì việc này cần được tòa án FISA cho phép.

"Đó là lý do tại sao chúng ta có tòa án FISA," ông Cardin cho biết hôm thứ Bảy trên CNN. "Ngành hành pháp không thể tự hành động theo ý mình mà phải có sự chấp thuận của tòa án trước khi có thể thực hiện những hoạt động này."

Trước đó trong tuần này tin tức tiết lộ rằng Đại sứ Nga Sergei Kislyak đã gặp gỡ con rể của ông Trump là Jared Kushner và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn tại tòa nhà Trump Tower ở New York vào tháng 12. Ông Flynn bị sa thải chỉ sau 24 ngày ltại chức khi tin cho hay ông đã nói dối các quan chức hàng đầu về bản chất các cuộc trò chuyện giữa ông với ông Kislyak.

Những tiết lộ về các cuộc gặp gỡ tại Trump Tower xuất hiện sau khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trước đó trong tuần này thừa nhận rằng ông đã gặp ông Kislyak hai lần trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái và không tiết lộ những cuộc gặp gỡ này trong phiên điều trần chuẩn thuận của Thượng viện. Ông Sessions sau đó loan báo ông sẽ không tham gia bất cứ cuộc điều tra liên bang nào về những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Hope Hicks nói các cuộc gặp gỡ tại Trump Tower là nhằm mục đích "thiết lập một đường dây liên lạc" giữa chính quyền mới và đại sứ Nga. Cô nói thêm rằng ông Kushner cũng đã gặp gỡ đại diện của khoảng hơn hai chục quốc gia khác.

Các quan chức chính phủ Mỹ gặp gỡ các đại diện của các chính phủ nước ngoài trong nhiều dịp và vì nhiều lý do, nhưng chính quyền Trump đã phủ nhận có bất kỳ sự liên lạc nào giữa các quan chức Nga và ban vận động tranh cử của tân tổng thống.

Hôm thứ Sáu, trang tin Breitbart News đăng một bài viết về cáo buộc của người dẫn chương trình trò chuyện qua radio có chủ trương bảo thủ Mark Levin nói rằng ông Obama đã tiến hành điều mà ông này gọi là "cuộc đảo chính tổng thống thầm lặng" bằng cách sử dụng những chiến thuật của "nhà nước cảnh sát." Cố vấn chiến lược Tòa Bạch Ốc của ông Trump, Stephen Bannon, từng là giám đốc điều hành trang tin Breitbart trước khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại.

Những tuyên bố này được đưa ra trong khi chính quyền Trump đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nhiều cuộc điều tra của FBI và của Quốc hội về những cuộc tiếp xúc giữa các thành viên trong ban vận động tranh cử của ông với các quan chức Nga. – VOA

***
Một phát ngôn viên của ông Barack Obama hôm 4/3 bác bỏ cáo buộc của đương kim Tổng thống Donald Trump rằng người tiền nhiệm của mình đã nghe lén ông hồi tháng Mười năm ngoái trong giai đoạn nước rút của chiến dịch tranh cử.

"Không ai, cả Tổng thống Obama hay bất kỳ quan chức Nhà Trắng nào, từng lệnh theo dõi bất kỳ công dân Mỹ nào. Mọi gợi ý trái ngược với điều đó đều sai trái", ông Kevin Lewis nói trong một tuyên bố.

Trước đó, ông Trump cho rằng ông Obama đã nghe lén điện thoại của mình, nhưng không đưa ra bằng chứng trong một loạt các tweet trên trang Twitter. Reuters cho biết rằng Nhà Trắng không phản hồi trước yêu cầu bình luận thêm về cáo buộc của ông Trump.

Hãng tin này dẫn lời ông Trump viết trên Twitter: "Tổng thống Obama còn thấp hèn tới mức nào nữa khi nghe lén điện thoại của tôi trong tiến trình bầu cử rất thiêng liêng. Đây là vụ Nixon/Watergate. Một tay tệ (hoặc bệnh)!"

Ông Lewis nói thêm rằng "một quy định bất di bất dịch của chính quyền Obama là không một quan chức Nhà Trắng nào được phép can thiệp vào bất kỳ một cuộc điều tra nào do Bộ Tư pháp dẫn đầu".

Tuyên bố của người phát ngôn của Tổng thống Obama gợi ra khả năng rằng việc nghe lén chiến dịch tranh cử của ông Trump có thể đã được các quan chức Bộ Tư pháp ra lệnh.

Trước đó, cựu cố vấn của ông Obama, Ben Rhodes, mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc của ông Trump.

"Không một tổng thống nào có thể ra lệnh thực hiện nghe lén. Những giới hạn đó hiện hữu để bảo vệ các công dân khỏi những người như ông đấy," ông Rhodes viết trên Twitter.

Trong một đoạn tweet, ông Trump nói rằng việc nghe lén xảy ra tại Tháp Trump ở New York nhưng "không tìm thấy gì".

Chính quyền của ông Trump hiện chịu áp lực lớn từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ và các cuộc điều tra của quốc hội về một số sự liên hệ giữa một số thành viên của nhóm vận động tranh cử của ông với các quan chức Nga trong cuộc bầu cử năm ngoái. – VOA

9. TT Trump phản bác 'Kẻ hủy diệt' (Arnold Schwarzenegger)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới phản bác thông báo của ông Arnold Schwarzenegger về việc từ bỏ vai trò dẫn chương trình truyền hình thực tế có tên gọi "The Celebrity Apprentice", và nói rằng cựu thống đốc California bị sa thải vì thu hút ít người xem.

Ông Schwarzenegger hôm 3/3 thông báo rằng ông sẽ không trở lại tham gia mùa thứ hai của chương trình trên kênh NBC. Reuters dẫn lời cựu ngôi sao Hollywood, từng nổi tiếng với phim "Kẻ hủy diệt", đổ lỗi cho ông Trump, người từng dẫn chương trình trên, đã dẫn tới tỷ lệ người xem thấp.

Nhưng đương kim tổng thống Mỹ lại không nghĩ vậy. Ông viết trên Twitter: "Arnold Schwarzenegger không phải tự nguyện rời Apprentice, ông ta bị sa thải vì tỷ lệ người xem tệ hại (đáng thương), chứ không phải bởi tôi. Sự kết thúc đáng buồn cho một chương trình tuyệt vời".

Đáp lại, ông Schwarzenegger viết trên Twitter: "Ông nên nghĩ tới chuyện thuê một người viết những lời nói đùa mới và một người xác minh sự thật".

Cựu ngôi sao điện ảnh và từng là thống đốc California đảm nhận vị trí dẫn chương trình "The Celebrity Apprentice" năm ngoái. Chương trình này ra mắt vào tháng Giêng, và có khoảng từ 4-5 triệu người xem.

Theo Reuters, ít nhất trong một lần xuất hiện trước công chúng trong vai trò tổng thống Mỹ, ông Trump từng chế giễu số người xem chương trình do ông Schwarzenegger dẫn.

Trước khi làm tổng thống, ông Trump từng dẫn 14 mùa của "The Apprentice" và "The Celebrity Apprentice" (dành cho người nổi tiếng), chứng kiến người tham gia cạnh tranh nhau trong các tình huống kinh doanh trước khi quyết định loại một ai đó. – VOA

10. Phó Tổng thống Mỹ phản pháo cáo buộc dùng email tư cho việc công

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 3/3 tuyên bố việc ông dùng tài khoản email cá nhân trong lúc còn làm Thống đốc bang Indiana khác xa với vụ bê bối email của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Việc bà Clinton dùng máy chủ email cá nhân cho công vụ thời làm Ngoại trưởng là trọng tâm 'ném đá' của ông Pence cùng nhiều người khác nhắm vào cựu ứng viên bên đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016. Ông Pence lúc bấy giờ là người đứng phó cho ứng viên Tổng thống bên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Phát biểu bên lề một sự kiện tại Wisconsin hôm nay, ông Pence nói không thể nào so sánh hành vi của bà Clinton với hành động của ông bởi bà Clinton đã dùng máy chủ cá nhân xử lý các thông tin mật, rồi thủ tiêu các email mà giới chức và Quốc hội yêu cầu trưng ra.

Hôm qua, báo chí Mỹ phanh phui rằng ông Pence thời làm Thống đốc thỉnh thoảng có dùng tài khoản email AOL bàn luận về các vấn đề nhạy cảm và các vấn đề an ninh nội địa. Theo tờ Indianapolis Star, tài khoản đó đã bị tin tặc tấn công mùa hè năm ngoái.

Ông Pence khẳng định tuân thủ luật lệ bang Indiana và rằng có một luật sư bên ngoài đã đánh giá các email cá nhân của ông và lưu lại những email liên quan đến công vụ.

Một phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc nói không như trường hợp của bà Clinton, trường hợp của Phó Tổng thống Pence không chịu sự chi phối của luật liên bang và ông cũng không có trao đổi thông tin mật.

Phát ngôn nhân Sarah Sanders nhấn mạnh hai trường hợp này hoàn toàn khác biệt. – VOA

Tin Việt Nam
11. Luật sư Việt Nam không được bào chữa cho Đoàn Thị Hương

Một ngày sau khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị được hỗ trợ pháp lý cho nghi phạm Đoàn Thị Hương trong vụ ám sát anh trai Chủ tịch Bắc Triều Tiên ở Malaysia, hôm nay thứ Sáu 3/3, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, luật sư Việt Nam sẽ không được bào chữa trực tiếp cho Đoàn Thị Hương, mà chỉ có thể hỗ trợ về tư pháp.

Trả lời báo Pháp Luật hôm 3/3, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, hiện giữa Việt Nam và Malaysia chưa có hiệp định hỗ trợ tư pháp song phương nên Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ có thể tham gia bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên cơ sở tôn trọng luật pháp Malaysia, với hy vọng giúp Đoàn Thị Hương thoát khỏi án tử hình:

"Phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ hỗ trợ pháp lý bằng cách cung cấp cho luật sư Malaysia những tài liệu, căn cứ, chứng cứ có thể đảm bảo quyền lợi tốt nhất của Đoàn Thị Hương…"

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói thêm rằng, nếu được Bộ Ngoại Giao và Bộ Tư Pháp cho phép, "Các luật sư Việt Nam sẽ tham gia hỗ trợ, tư vấn cho Luật sư Malaysia trong việc bào chữa cho cô Đoàn Thị Hương theo hướng, đặt vần đề là Hương có phạm tội mưu sát hay không? Hành vi của Hương có phải bị lừa gạt bởi một nhóm khác hoặc vô ý trong trường hợp này? Chúng ta phải làm rõ nếu bị lừa gạt hoặc không nhận biết những hậu quả hành vi của mình thì đó là tình tiết giảm nhẹ… Chúng ta phải làm những gì tốt nhất cho công dân Việt Nam kể cả họ có là người thế nào".

Được biết, cho đến nay cả Bộ Ngoại Giao và Bộ Tư Pháp vẫn chưa chính thức trả lời đề nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc tham gia hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương.

Trả lời báo chí trong nước chiều thứ Sáu 3/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết: "Hiện các cơ quan chức năng đang rốt ráo xử lý trường hợp của Đoàn Thị Hương. Tuy nhiên, do đang phối hợp nội bộ nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí và người dân". – RFA

12. Lục quân Mỹ tặng trường học cho Việt Nam

Lục quân Hoa Kỳ mới bàn giao một trường học hai tầng với bốn lớp học cho cộng đồng địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một nỗ lực "làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt – Mỹ".

Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội trong tuần này thông báo rằng Đại tướng Robert Brown, Tư lệnh Lực lượng Lục quân Hoa Kỳ phụ trách Thái Bình Dương đã chính thức bàn giao Trường mẫu giáo Quảng Phước tại tỉnh Thừa Thiên Huế hôm 24/2.

Ông Brown được trích lời nói: "Là một người cha và người ông, tôi hiểu tầm quan trọng của việc có được một môi trường giáo dục tốt và an toàn".

Ngôi trường mới có hai tầng, gồm 4 lớp học với sức chứa 80 học sinh và giáo viên. Trong mùa mưa, ngôi trường còn có chức năng là nơi tránh lũ.

Theo cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội, dự án hỗ trợ nhân đạo của Công binh Lục quân Hoa Kỳ là "kết quả của nỗ lực làm việc và phương pháp huy động sự tham gia của toàn bộ chính phủ nhằm xây dựng lòng tin và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".

Chính phủ Hoa Kỳ đã hợp tác với chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng các trường học, trạm y tế, cầu và trung tâm điều phối khắc phục thiên tai ở nhiều thị trấn, làng xã trên khắp Việt Nam kể từ năm 2009, thông qua Chương trình Hỗ trợ thảm họa nhân đạo và Hành động dân sự ở nước ngoài.

Trong một diễn biến khác liên quan, hôm 1/3, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Susan Sutton và đại diện của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã khai trương Trung tâm điều phối quản lý thiên tai nhằm giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong công tác ứng phó với thiên tai và hỗ trợ nhóm cư dân dễ bị tổn thương khi có thiên tai.

Tin cho hay, thông qua sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ giữa Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, trung tâm mới này sẽ "giúp các nhà chức trách địa phương điều khiển việc sơ tán người dân ra khỏi các khu nhà nguy hiểm, dự trữ nhu yếu phẩm dành cho cứu trợ khẩn cấp, và ứng phó với hậu quả của các cơn bão bằng cách triển khai và liên lạc với đội ngũ ứng phó ban đầu tại các khu vực bị tàn phá nặng nề nhất". – VOA

Lê Minh Nguyên